Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản
Theo báo cáo nhanh ngày 13/9 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở khu vực Bắc bộ đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và báo cáo cập nhật của các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn tình hình thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở từ ngày 9/9 đến 12/9 trên địa bàn các tỉnh như sau: Về người: 1 người chết (Ông Đặng Nguyên Lý, 40 tuổi thôn Nà Cà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn bị lũ cuốn trôi, hiện đang tìm kiếm nạn nhân). Về nhà: 3 nhà bị sập (Bắc Cạn: 2; Hà Giang: 1); 97 nhà bị thiệt hại do sạt lở (Lào Cai: 91; Bắc Cạn: 2; Hà Giang: 4); 2 nhà bị tốc mái tại Hà Giang. Về nông nghiệp: 97,66 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Bắc Cạn: 76,88ha; Tuyên Quang: 18,68ha; Lào Cai 2,1ha).
Về giao thông: Quốc lộ 3B sạt lở 4 vị trí tại Yên Bái, tổng khối lượng sạt lở 9.987m3 đất, đá. Quốc lộ 4C sạt lở 1 vị trí tại Hà Giang, tổng khối lượng sạt lở 30m3 đất, đá. Tỉnh lộ ĐT.258 sạt lở 2 vị trí tại Bắc Cạn, tổng khối lượng sạt lở 14.440 m3 đất, đá. Sạt lở 3.150 m3 phía ta luy dương của đường tỉnh lộ (tỉnh Bắc Cạn).
Tổng thiệt hại ước tính 4,875 tỷ đồng.
Về tình hình thiệt hại do mưa, dông khu vực miền Trung và Nam Bộ, theo báo cáo ngày 12/9 của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương, do ảnh hưởng của mưa, dông cục bộ từ ngày 9/9 đến 12/9 đã làm 1 người chết (Ông Đặng Thế Tĩnh, sinh năm 1966 thôn Thọ Lộc, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bị sét đánh trong lúc đi gặt lúa); 142 nhà bị tốc mái (Hà Tĩnh); 102 nhà bị ngập (Bình Dương). Tổng thiệt hại ước tính: 2,14 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương đã tổ chức, huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân tìm kiếm người, thăm hỏi người bị nạn, khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất; xử lý các tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt đảm bảo thông tuyến.
Để ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 62/CĐ-TW hồi 19h30 ngày 12/9/2017 gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, các tỉnh Bắc Bộ và các Bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10 (Doksuri) và mưa lũ sau bão, cũng như khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra thời gian qua.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sẵn sàng các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ sau bão và tác động của việc xả lũ hồ chứa.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ sau bão, trong đó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã có Công điện khẩn chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, Bình Định có báo cáo nhanh việc triển khai phòng chống bão số 10.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra thời gian qua, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 10, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ khẩn trương thu hoạch lúa đã chín theo phương châm xanh nhà hơn già đồng. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chủ động tiêu thoát nước để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ làm lúa đổ bị ngập chìm trong nước.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của cơn bão số 10, tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, việc xả lũ hồ chứa, công tác điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()