Mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam
Hiện nay, nhiều khu vực trũng thấp ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam bị ngập lụt do ảnh hưởng mưa từ áp thấp nhiệt đới sau bão số 14.
Một số vùng thấp trũng ở huyện Phú Lộc đã bị ngập từ 0,2-0,4m.Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế (chụp ngày 20/11). |
Ở Thừa Thiên-Huế, mưa lũ diễn biến phức tạp khiến tình trạng ngập lụt xảy ra ở các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế. Trong khi đó, ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới lại có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Tại huyện Phong Điền, có khoảng 50 ngôi nhà ngập trong nước, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Nhiều ngôi nhà thuộc thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu bị ngập từ 0,2 m – 0,7 m.
Tại huyện Phú Lộc đã có mưa rất to. Đến rạng sáng 20/11, một số vùng thấp trũng (như Lộc Bổn, Lộc An) nước đã vào nhà dân từ 0,2-0, 4 m.
Còn ở huyện A Lưới, UBND huyện đã có kế hoạch di dời 335 hộ dân, với 1.572 nhân khẩu ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Ngày 20/11 trên tuyến đường sắt Bắc Nam, do sạt lở đất ở khu vực ga Lăng Cô, sau 9 tiếng đồng hồ, đến 21h15 tối 20/11, tuyến đường mới được khắc phục.
Ngập lụt xảy ra ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế. |
Hiện các hồ chứa nước và công trình thủy lợi ở Thừa Thiên-Huế đang xả lũ. Ba hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn nhất tỉnh gồm Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch đang thực hiện điều tiết lũ cho hạ du.
Báo Thừa Thiên-Huế dẫn lời ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết tính cả các đợt lũ đầu tháng 11 và ngày 20/11, các hồ đã tích hơn 1 tỷ m3 nước, chỉ xả về hạ du khoảng 500 triệu m3… Tuy nhiên, việc tích nước, điều tiết xả lũ hợp lý, đảm bảo đúng quy trình nên không gây lũ bất ngờ, lũ không xảy ra ban đêm, cắt lũ và giảm lũ rất lớn cho TP. Huế và vùng hạ du.
Tình trạng ngập úng ở đường Bạch Đằng, TP. Hội An chiều 20/11. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Tại Quảng Nam, ngày 20/11, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có mưa lớn. Lượng mưa phổ biến từ 40 – 70 mm, có nơi trên 100 mm. Mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đang dao động ở mức đỉnh. Riêng lũ ở hạ lưu sông Thu Bồn có khả năng lên. Nguy cơ cao có thể xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ tái diễn.
Các thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh gồm Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4 đang xả lũ.
Đến khoảng 17 giờ chiều 20/11, tuyến đường Bạch Đằng ở khu phố cổ Hội An đã bị ngập hoàn toàn.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết mực nước tại Hội An ghi được lúc 15 giờ chiều ngày 20/11 là 1,06 m, trên mức báo động 1.
Cơ quan chức năng TP. Hội An đang tiến hành tuyên truyền cho người dân biết, đồng thời liên tục theo dõi để có những phương án ứng phó kịp thời nếu nước tiếp tục dâng. Thành phố cũng có chủ trương nghiêm cấm người dân chèo thuyền đưa du khách dạo phố.
Chiều 20/11, huyện Bắc Trà My đã tổ chức di dời hơn 500 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở ngay khi nhận thông tin dự báo sắp có đợt mưa lớn. Rút kinh nghiệm từ những vụ sạt lở xảy ra trước đó, huyện Bắc Trà My đã kiên quyết đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ trước khi mưa lớn xảy ra. Trong đó, riêng xã Trà Bui di dời hơn 200 hộ, xã Trà Đông hơn 100 hộ.
Tại các huyện Nông Sơn, Đại Lộc xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ ở một số vùng trũng thấp. Người dân phải sử dụng phương tiện để trung chuyển xe máy qua các đoạn ngập sâu.
Mưa lớn khiến một số tuyến đường ở huyện Đại Lộc bị chia cắt. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Ở huyện Nông Sơn có 4 xã (Phước Ninh, Quế Lâm, Quế Phước và Quế Ninh) bị chia cắt do đường liên xã ngập sâu hơn 1 m. Tại huyện Đại Lộc, các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn cũng bị nước lũ cô lập tại một số điểm thấp trũng.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức khắc phục hậu quả cơn bão số 12 vừa phải ứng phó với đợt mưa lũ mới. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các địa phương triển khai các giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là ở các khu vực trũng thấp và những nơi nguy cơ sạt lở cao.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()