Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều tuyến đường tại Huế
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, từ đêm 20-9 đến chiều tối 21-9, tại TT-Huế đã có mưa to đến rất to, tập trung tại khu vực đồng bằng, ven biển với lượng mưa phổ biến từ 100 – 310 mm. Đặc biệt, tại TP Huế mưa lớn kéo dài trong chiều 21-9 khiến nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập nghiêm trọng.
Theo ghi nhận, mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền trong chiều 21-9, khiến nhiều tuyến đường tại TP Huế biến thành sông, gây khó khăn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông. Tại một số tuyến đường, hoạt động giao thông dường như bị tê liệt. Nhiều xe ô-tô, xe gắn máy vẫn đang nằm giữa đường do chết máy, không thể di chuyển.
Một số khu vực nước ngập đường, bắt đầu tràn vào nhà dân, người dân phải chật vật để đối phó. Nước ngập sâu cũng đã làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh, buôn bán của hàng trăm cửa hàng. Điều đáng lưu ý, tình trạng ngập các tuyến đường đang thi công dang dở hệ thống thoát nước nên rất dễ gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Nhiều đoạn ngập sâu từ 0,2 đến 0,5 m khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Hiện tượng ngập úng do mưa cường độ lớn cho nên khả năng thoát cũng chậm, gây ách tắc giao thông nhiều tuyến đường, ảnh hưởng việc đi lại làm việc của nhân dân cũng như lượng xe ô-tô, xe tải, xe khách đi qua quốc lộ 1A đoạn qua đường Hùng Vương bị tắc nhiều điểm.
Cơn mưa lớn kéo dài, bắt đầu từ 14 giờ đến 17 giờ chiều 21-9 khiến nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học về sớm.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo các trường phổ thông trung học trên địa bàn TP Huế cho học sinh nghỉ học 2 tiết cuối buổi chiều 21-9. Riêng học sinh tiểu học và THCS, giáo viên phải quản lý học sinh và thông báo cho phụ huynh đến đón.
Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, tính đến 16 giờ chiều 21-9, lượng mưa đo được tại một số nơi như: Trạm Phú Ốc 121 mm, Trạm Khe Tre 109 mm, Phong Bình 132mm. Dự báo trong 2-3 ngày tới, trên địa bàn TT-Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Tất cả chìm trong biển nước.
Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công điện 07/CĐ-PCTT yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các ban, ngành, địa phương trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ du các hồ đập, vùng trũng thấp; rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Bố trí lực lượng hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt bảo đảm an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông.
Các chủ đầu tư, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước đang thi công dở dang có phương án bảo đảm an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công; đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt bảo đảm an toàn công trình và an toàn hạ du.
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh TT-Huế, hiện mực nước trên sông Hương, sông Bồ đang ở báo động 1; các hồ thủy lợi vẫn bảo đảm an toàn. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải cũng như công an tỉnh tăng cường lực lượng để phân luồng cũng như giải tỏa các điểm ách tắc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()