Mưa, lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương
Do ảnh hưởng của mưa lớn, tuyến quốc lộ 3B từ TP Bắc Cạn đi huyện Chợ Đồn bị sạt lở nghiêm trọng, dài hơn 100 m, với hơn 1.000 m3 đất đá, gây tắc đường, tê liệt giao thông toàn tuyến. Lực lượng chức năng đã khắc phục tạm thời cho xe đi qua tuyến đường này. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá trên đỉnh đồi vẫn tiếp tục sạt, để khắc phục triệt để, cần thêm thời gian.
* Do ảnh hưởng của bão số 10, cộng với việc hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ làm sạt lở mạnh đoạn qua địa bàn khu 1, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 30 hộ dân, trong đó, có 300 m bị sạt lở nghiêm trọng, khiến đất, cây cối bị trôi xuống sông, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. UBND xã Tu Vũ cảnh báo các điểm bờ sông sạt lở nguy hiểm, khuyến cáo người dân tranh thủ thu hoạch hoa màu, không đến gần khu vực đang bị sạt lở.
* Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), do ảnh hưởng của bão số 10, mưa to và kéo dài đã làm sạt lở một đoạn tường thành, với chiều dài 6,9m, cao 4m, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20m3 tại vị trí phía đông bắc của di sản. Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã căng dây, đặt biển cảnh báo và hướng dẫn du khách, nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực sạt lở.
* Hồi 4 giờ ngày 20-9, trận mưa kéo dài khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An) bị ngập lụt cục bộ. Hiện nay huyện Con Cuông đang tích cực hỗ trợ người dân tiêu úng, phòng chống ngập lụt.
* Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 19-9 đã có khoảng từ 55-60% số nhà dân bị tốc mái được khắc phục bước đầu, tỉnh phấn đấu đến ngày 23-9 sẽ khắc phục xong 100% bảo đảm cho người dân ổn định trở lại sinh hoạt bình thường, đến hết ngày 22-9 khắc phục xong 100% hệ thống điện. UBND tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói; hỗ trợ 40 tỷ đồng để tu sửa hai cột tháp truyền hình; trích từ nguồn dự trữ quốc gia hoặc hỗ trợ kinh phí để mua 1.000 tấn giống lúa; 37 tấn giống hạt rau các loại…
* Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hơn 11.022 ha rừng bị thiệt hại hơn 70%, trong số đó có hơn 50% là diện tích do các hộ gia đình, cá nhân tự trồng, chủ yếu là keo, bạch đàn, phi lao, cao-su… bị gãy đổ do bão số 10. UBND tỉnh có Công văn số 5897 chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua gỗ rừng trồng bị gãy đổ. Theo đó, đề nghị các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ, gỗ rừng trồng tập trung, huy động các nguồn lực để tổ chức thu mua nguyên liệu từ gỗ rừng trồng bị gãy đổ của người dân, với số lượng lớn nhất có thể, bảo đảm giá cả hợp lý và hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
* Chiều 19-9, một trận lốc xoáy đã xảy ra tại địa bàn phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm bốn người bị thương, hơn 20 nhà tốc mái, làm gãy đổ nhiều diện tích cây sầu riêng, bơ… Ngay sau khi dông lốc đi qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xuống hiện trường, giúp người dân khắc phục hậu quả. Đồng thời lên phương án giúp người dân ổn định chỗ ở ngay trong tối cùng ngày.
* Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện đã khôi phục cấp điện lại toàn bộ cho các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình còn một số khu vực chưa được cấp điện trở lại. Số khách hàng chưa được cấp điện tại Hà Tĩnh: 56.775, Quảng Bình: 94.456.
* Ngày 20-9 Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) đã cơ bản cấp điện trở lại toàn bộ phụ tải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, đã khôi phục được 59/60 xuất tuyến, đạt 98,3%; 2.162/2.173 trạm biến áp, đạt 99,3%. Khôi phục cấp điện trở lại cho 252.753 khách hàng, tương đương với 98,3% khách hàng trên toàn tỉnh có điện trở lại sau bão số 10.
Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tổ chức tín dụng (TCTD); Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa -Thiên Huế và Hòa Bình về việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 gây ra. Theo đó, yêu cầu các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được vay mới khôi phục sản xuất sau lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội.
Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tổ chức tín dụng (TCTD); Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa -Thiên Huế và Hòa Bình về việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 gây ra. Theo đó, yêu cầu các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được vay mới khôi phục sản xuất sau lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()