Mùa hè đỏ lửa ở châu Âu
Lực lượng cứu hỏa ở nhiều nước châu Âu đang nỗ lực dập tắt những đám cháy rừng lan rộng do nắng nóng khắc nghiệt trong mùa hè này. “Giặc lửa” đã thiêu rụi nhà cửa và buộc hàng nghìn người dân trong khu vực phải đi sơ tán.
Theo Viện Hải dương và Khí quyển Bồ Đào Nha (IPMA), hiện nay, nước này có 70 thành phố ở miền Bắc và miền Trung có nguy cơ cháy rừng ở mức tối đa, trong khi nguy cơ đối với 60 thành phố khác là rất cao. Thang cảnh báo cháy rừng của IPMA được chia thành 5 cấp, gồm thấp, trung bình, cao, rất cao và tối đa, dựa trên nhiệt độ, độ ẩm không khí, tốc độ gió và lượng mưa trong vòng 24 giờ.
Không riêng Bồ Đào Nha, các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp… cũng đang chứng kiến những đám cháy rừng dữ dội. Lực lượng cứu hỏa và máy bay chữa cháy đã được huy động đến hiện trường để dập lửa. Theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), tính từ đầu năm 2022 đến nay, các đám cháy rừng đã thiêu rụi hơn 47.000ha đất tại Pháp. Trong khi đó, cháy rừng ở Tây Ban Nha bùng phát từ mùa xuân năm nay dưới tác động của đợt nắng nóng đến sớm nhất trong hai thập kỷ.
Tại châu Âu, các đám cháy rừng đã xuất hiện thường xuyên và khó ngăn chặn hơn, gây nhiều thiệt hại về người và của. Theo AP, làn sóng di cư ồ ạt của người dân từ nông thôn lên thành thị ở khu vực này nửa sau thế kỷ 20 đã khiến các khu rừng không được chăm sóc và dễ bị tổn thương trước hạn hán, nắng nóng.
Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy rừng ở thị trấn Landiras, Pháp. Ảnh: EPA |
Ông Johann Goldammer, người đứng đầu Trung tâm Giám sát hỏa hoạn toàn cầu (GMFC) của Liên hợp quốc cho biết, các cánh rừng ở châu Âu hiện tràn ngập vật liệu dễ cháy như thân cây chết, lá, cành cây và cỏ khô. “Đây là lý do tại sao châu Âu phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng chưa từng có. Suốt 1.000-2.000 năm qua, chưa bao giờ có nhiều vật liệu dễ cháy như vậy ở khu vực này”, ông Goldammer nhận định.
Biến đổi khí hậu góp phần khiến các đám cháy rừng dữ dội hơn. Bà Friederike Otto, giảng viên cấp cao về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Hoàng gia London cho biết: “Điều này đặc biệt đúng ở Nam Âu, nơi ngày càng xuất hiện nhiều điều kiện thời tiết dễ gây ra hỏa hoạn. Nền nhiệt cao, hạn hán kéo dài và gió lớn khiến cháy rừng vào mùa hè trở nên thường xuyên”.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) lưu ý rằng, trong 5 năm qua, khối này đã chứng kiến những trận cháy rừng dữ dội nhất và đợt hạn hán hiện tại có thể là đợt hạn hán tồi tệ nhất từ trước đến nay. Theo số liệu thống kê của EU, diện tích rừng bị cháy ở các vùng nông thôn trong năm nay lên tới 450.000ha tính đến ngày 16-7, gấp 3 lần so với mức trung bình cùng kỳ giai đoạn 2006-2021.
Những đám cháy rừng trải khắp châu Âu có thể sẽ khiến năm 2022 trở thành năm mà “lục địa già” ghi nhận diện tích rừng bị tàn phá cao kỷ lục. EFFIS dự báo, đến cuối năm 2022, diện tích đất bị thiêu rụi do cháy rừng tại châu Âu sẽ cao hơn mức kỷ lục gần 1 triệu héc-ta được ghi nhận vào năm 2017. Hạn hán và các đợt nắng nóng kết hợp với biến đổi khí hậu đã làm cho các đám cháy rừng trở nên khó kiểm soát hơn do lửa có nhiều điều kiện để lan rộng nhanh chóng.
Không chỉ xóa sổ các thảm thực vật, những đám cháy rừng cũng thải ra lượng khí khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính. Theo báo cáo của Cơ quan theo dõi khí quyển Copernicus của EU, các đám cháy rừng xảy ra tại Tây Ban Nha trong tháng 6 và tháng 7 đã thải 1,3 tỷ tấn khí CO2 vào bầu khí quyển. Đây là mức cao nhất ghi nhận được trong giai đoạn tương tự tính từ năm 2003, kể từ khi Copernicus thu thập dữ liệu. Trong khi đó, khói từ các vụ cháy rừng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Các nhà khoa học cảnh báo, cháy rừng ở châu Âu có thể sẽ trở nên ngày càng tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nếu khu vực này không có biện pháp ứng phó kịp thời. Trong bối cảnh Trái đất nóng lên, chỉ một ngọn lửa nhỏ cũng có thể làm bùng phát một đám cháy rừng. Bà Amila Meskin, cố vấn chính sách tại Hiệp hội Rừng châu Âu (EUSTAFOR) cho rằng, cần xem xét lại công tác quản lý rừng để hạn chế những đám cháy lớn trong tương lai.
Ý kiến ()