Mùa hanh khô, cẩn trọng cháy rừng
- Trước tình hình thời tiết hanh khô kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, trong những ngày qua, một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy thảm thực vật và rừng, ngày 14/1/2025, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 01 về việc tập trung tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu tháng 1/2025 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy thảm thực vật và rừng với tổng diện tích cháy trên 61 ha. Điển hình như vụ cháy 21 ha diện tích thực bì, thảm mục, cây trên núi đá tại thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh và thôn Bản Chang, xã Tân Mỹ của huyện Văn Lãng vào ngày 11/1, cơ quan chuyên môn của huyện phải huy động gần 600 người tham gia chữa cháy trong thời gian dài.
Hay như vụ cháy tại thôn Bản Chành, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình vào ngày 12/1/2025 do người dân sử dụng lửa bất cẩn dẫn đến cháy lan gần 23 ha diện tích đất đang trồng cây Mắc ca làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây; vụ cháy thảm thực bì, dây leo, bụi rậm trên núi đá tại thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng vào ngày 16/1, lực lượng chữa cháy phải mất 6 tiếng mới dập tắt hoàn toàn ngọn lửa.
Ông Phạm Văn Cấp, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên huyện Hữu Lũng cho biết: Khi phát hiện đám cháy, chúng tôi huy động gần 100 người tham gia chữa cháy, ngăn chặn kịp thời không để cháy lan sang các diện tích rừng nguyên sinh. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cẩn trọng trong sử dụng lửa khi vào rừng, đặc biệt là việc đốt thực bì chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Từ ngày 16/1 đến nay, ban quản lý đã tuyên truyền bằng xe lưu động được 4 buổi tại các khu vực dân cư sống ven rừng, UBND xã Hữu Liên liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã hàng ngày các nội dung về PCCCR. Cùng với đó, chúng tôi cắt cử người trực 24/24 giờ, thường xuyên tuần tra rừng để xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân của các vụ cháy rừng một phần do sự bất cẩn của người dân khi sử dụng lửa gây cháy lan vào rừng. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 578.021 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 257.193 ha; rừng trồng 320.827ha, chủ yếu là các loài cây dễ cháy như thông, keo, bạch đàn chiếm đến 235.000ha. Mặc dù các vụ cháy không gây thiệt hại về rừng nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là vào thời điểm này mức độ cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng cháy rừng xảy ra, ngày 14/1/2025, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công điện số 01 về việc tập trung tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ tại các văn bản chỉ đạo trong công tác PCCCR; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR, khuyến cáo người dân, chủ rừng, học sinh... không sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, không xử lý thực bì bằng lửa và những hoạt động dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng. Các địa phương tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm, có phương án huy động lực lượng, phương tiện kịp thời khống chế nhanh nhất các tình huống cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lớn…
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Đình Lập là một trong những địa bàn có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, trong thời điểm này để hạn chế tình trạng cháy rừng, UBND huyện đã rà soát, xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác, trang thiết bị sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ cháy rừng. Hiện nay, huyện yêu cầu các xã, thị trấn bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trong công tác PCCCR, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa, những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCCR.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, lực lượng liên quan, chủ rừng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCCR, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh các phương án, chủ động ứng cứu, hỗ trợ các huyện, thành phố khi có cháy rừng xảy ra. Cùng với đó, sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát rừng, nhất là tại các địa điểm có nguy cơ xảy ra cháy.
Song song với đó, các hạt kiểm lâm các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng trên địa bàn xây dựng, rà soát các phương án PCCCR đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, toàn tỉnh có 22 chủ rừng là tổ chức, 62.789 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, 51 cộng đồng dân cư, 197 xã, thị trấn có rừng đã xây dựng được phương án PCCCR theo Quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Đến thời điểm này, 2.098 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR của thôn, bản thường xuyên ứng trực, sẵn sàng khi có cháy rừng xảy ra.
Ông Triệu Lương Hòa, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố có trên 3.600ha rừng, trong đó có khoảng 2.960 ha rừng sản xuất. Từ đầu tháng 1 đến nay, thành phố xảy ra 3 vụ cháy nhỏ thảm thực bì, tuy nhiên thời điểm này thời tiết hanh khô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, Hạt Kiểm lâm thành phố đã chỉ đạo các xã, phường có rừng tổ chức ứng trực tại các điểm nguy cơ cháy cao; 31 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng chủ động phương tiện, lực lượng ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Cùng với đó, Hạt cũng tổ chức 3 buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCCR khi thực hiện dọn bờ ruộng, đốt thực bì chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Tuy nhiên, cùng với sự chủ động của các cấp, các ngành thì người dân cũng cần có ý thức bảo vệ, PCCCR nhất là vào những ngày thời tiết hanh khô, nắng nóng. Từ đó, góp phần ngăn chặn các vụ cháy rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.
Ý kiến ()