Nhọc nhằn “mùa khô”
Những hạt mưa bay khiến không khí ẩm ướt, những con đường đá trở nên trơn trượt nhưng không đọng lại chút nước nào. Cô giáo Nguyễn Thị Tươi, Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS Sà Phìn (huyện Đồng Văn) gấp những chiếc quần áo đã mặc vào một góc. “Nói ra với người lạ xấu hổ lắm. Em gấp để cuối tuần mang về nhà bố mẹ đẻ trên thị trấn Đồng Văn giặt đấy” – cô Tươi phân trần.
Tôi ngạc nhiên. Cô cười: Mùa giá rét cũng là mùa khô, nhiều xã trên cao nguyên đá không có nước. Để tiết kiệm nước ở trường, hằng tuần, em phải lưu quần áo về nhà bố mẹ giặt. Nghe chuyện cứ như đùa nhưng lại đang xảy ra ở nhiều xã trên huyện Đồng Văn. Với địa hình chỉ có núi đá, mặc dù đã được đầu tư xây dựng một số hồ treo nhưng nhiều xã như Sà Phìn, Vân Chải, Sủng Là, Sủng Trái… khi mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến hết tháng ba năm sau đều thiếu nước trầm trọng. Trong khi đó, nhiều trường học trên địa bàn hiện nay tổ chức mấy trăm học sinh ăn, ở bán trú cho nên nhu cầu nước sinh hoạt rất lớn. Để duy trì hoạt động giảng dạy cũng như tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh, nhiều trường phải đi mua nước hoặc các thầy giáo, cô giáo đi xin nước, chở bằng xe máy từng can về trường. Có điểm trường, học sinh đi học phải mang kèm theo chai nước đến lớp khiến cho việc duy trì hoạt động trường lớp gặp nhiều khó khăn.
Ngược lên nơi địa đầu Lũng Cú, gặp thầy giáo Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Lũng Cú, người có thâm niên gần 20 năm gắn bó với cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi lại chứng kiến những câu chuyện, những nỗi niềm riêng. Thầy Lợi mở đầu câu chuyện: Phần lớn thầy giáo, cô giáo trên vùng địa đầu Tổ quốc là người ở các địa phương khác đến. Vì vậy, việc vợ một nơi, chồng một nẻo, con gửi về quê như chuyện “thường ngày ở huyện”. Thời tiết nơi địa đầu vốn khắc nghiệt, nhất là khi mùa đông sắp qua, mùa xuân sắp về, nhiệt độ trung bình chỉ 7 đến 80C, trẻ nhỏ thường hay ốm đau cho nên phải gửi các cháu về quê. Ngay vợ chồng thầy Lợi cùng dạy ở Lũng Cú nhưng cũng phải gửi cả hai con về quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa) cho ông bà chăm sóc.
Theo thống kê trên địa bàn huyện Đồng Văn có khoảng 70% là giáo viên từ nơi khác đến.
Theo Trưởng phòng GD và ĐT huyện Đồng Văn Trần Đăng Khoa, với địa bàn đặc thù núi đá cho nên địa hình Đồng Văn chia cắt mạnh, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, giá rét, khô hạn kéo dài, hằng năm đều thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ba đến năm tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động dạy, học, nhất là khi phần lớn các trường tổ chức cho học sinh ăn, ở bán trú. Mặt khác, hơn 99% số học sinh Đồng Văn là người dân tộc thiểu số cho nên khi về nhà các em ít nói tiếng Việt; có khi dạy trên lớp về đến nhà đã “rơi” hết chữ. Cơ sở vật chất trường lớp học còn hạn chế, một số tập quán lạc hậu hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu người làm khiến trẻ phải nghỉ học… vẫn là nỗi lo trong phát triển giáo dục Đồng Văn.
Vượt khó gieo mầm
Giữa cái giá rét cắt da, cắt thịt, giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống, phụ huynh học sinh người Mông, người Lô Lô… của Đồng Văn giờ đây ngày càng thấy “ưng cái bụng” khi cho con em đi học. Thầy Khoa nói: “Điều mừng là giáo dục Đồng Văn ngày càng nảy nở những ước mơ, khát khao học tập. Điều đó được hun đúc từ những nỗ lực, tâm huyết của mỗi thầy giáo, cô giáo của mỗi nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi người dân”. Thầy giáo Nguyễn Văn Lợi nhớ như in kỷ niệm học sinh Vàng Thị Ly ở bản Tạ Gia Khâu, nhà nghèo, bố mẹ nhất quyết không cho đi học. Thầy phải đến nhà vận động. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày… gia đình vẫn không cho em trở lại lớp. Không nản, suốt một tháng trời, ngày nào thầy Lợi cũng đến vận động gia đình. Cuối cùng gia đình đồng ý. Em Vàng Thị Ly đã học xong tiểu học và đang tiếp tục học THCS ở trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. “Không chỉ là mưa dầm thấm lâu, vận động đi học còn là nhẵn ngõ quen chó nữa đấy!”- Thầy Lợi ví von.
Các hội, đoàn thể cũng có những cách làm hay trong việc đưa trẻ đến trường. Tại xã Sủng Trái, từ năm 2014, hội khuyến học xã đã tham mưu UBND xã thành lập các tổ công tác xuống thôn vừa tuyên truyền, vận động, vừa giải thích các chế độ chính sách của Nhà nước để người dân hiểu và cho con đi học. Gia đình nào có con bỏ học sẽ phải nộp tiền phạt theo quy ước của thôn, số tiền xử phạt được nộp vào quỹ khuyến học để chi khen thưởng cho các học sinh có thành tích tốt trong học tập. Qua hai năm triển khai xử phạt học sinh nghỉ học theo quy ước, Hội Khuyến học xã Sủng Trái đã thu được hơn 57 triệu đồng góp phần khen thưởng 706 học sinh và 18 cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc trong dạy, học và hỗ trợ mua vở viết cho học sinh khó khăn… Nhờ thực hiện nghiêm quy ước, số gia đình học sinh bị phạt do bỏ học ngày càng giảm, tình hình duy trì sĩ số học sinh luôn đạt tỷ lệ hơn 95% đối với mầm non và tiểu học.
Trên những bản làng heo hút nơi núi đá Đồng Văn, ngày càng có nhiều gia đình hiếu học. Vừa đi làm thuê về, ông Vàng Tráng Cơ, người Mông ở bản Lầu Chá Tủng, xã Sà Phìn nói chuyện câu được, câu không do vốn tiếng Việt còn hạn chế. Người đàn ông có vẻ ngoài khắc khổ và già hơn nhiều so với cái tuổi 46 là một điển hình về gia đình hiếu học. Giữa vùng đất chỉ những đá tai mèo, vợ chồng ông Cơ nuôi bò, trồng ngô. Những lúc nông nhàn, ông đi làm thuê có khi đi bộ xa một, hai chục km. Vậy nhưng cả ba đứa con của ông Cơ đều được học tập nên người. Trong đó, người con cả đã học xong Học viện An ninh nhân dân, đang công tác tại Đồng Văn, người con thứ hai đang là sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội và người con út đang học lớp 8 tại Sà Phìn. “Bò to bán hết cả rồi, chỉ còn mấy con bé thôi mà!” – ông Cơ chia sẻ về chuyện nuôi con ăn học. Nhiều gia đình khác như gia đình bà Trương Thị Sen ở thị trấn Phố Bảng có bốn người con có trình độ đại học, một trung cấp; gia đình bà Dù Thị Ăng (Ma Lé), ông Giàng Chứ Dính (Lũng Thầu), ông Vàng Dỉ Chu (Lũng Cú), ông Sùng Sính Dế (Sủng Trái)… đều chăm lo cho các con học tập đầy đủ.
Thầy Khoa tâm sự: “Nơi đây, khi mùa đông – xuân về là đem theo cả một “mùa khát” kéo dài mấy tháng. Không thể gieo trồng được cho nên chuyện no cái bụng, ấm cái thân là việc sống còn. Kể từ khi có Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về học sinh bán trú và Quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó, phần lớn học sinh ở trường được tổ chức nấu ăn ba bữa có thức ăn, nhiều khi có thịt, đã giúp các em no cái bụng, ấm áp trong mùa đông, yên tâm học tập”. Cùng với những cơ chế, chính sách chung, huyện Đồng Văn cũng có nhiều nỗ lực đưa học sinh điểm lẻ về điểm trường chính nhằm tạo cơ hội học tập thuận lợi hơn. Đến nay, trong số 33 trường học trên địa bàn đã có hai trường phổ thông dân tộc nội trú và 30 trường tổ chức bán trú cho học sinh. Phòng GD và ĐT huyện cũng bố trí hợp lý không xáo trộn giáo viên để thực hiện phương châm “trường gần dân, thầy bám trò”. Đáng chú ý, với khoảng 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó hơn 70% là người ngoài huyện, nhiều thầy, cô giáo phải xa gia đình cho nên huyện cũng nỗ lực để hợp lý hóa gia đình, giúp thầy, cô giáo an tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học… Vì vậy, mùa giá rét – mùa khát – mùa giáp hạt khó khăn nơi vùng cao nguyên đá khô cằn giờ đây đang từng bước chuyển mình thành mùa gieo chữ của ngành giáo dục.
– Tất cả 19 xã, thị trấn của Đồng Văn đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về xóa mù chữ – phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; đạt và được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi.
– Toàn huyện có 2.217 gia đình hiếu học; 180 dòng họ hiếu học.
– Năm học 2014-2015, toàn huyện có 48 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, cao hơn những năm học trước.
(Nguồn: Phòng GD và ĐT Đồng Văn)
Ý kiến ()