Mùa dứa "đắng"
Điệp khúc “được mùa, mất giá” lặp lại làm cho người trồng dứa ở tỉnh Nghệ An lao đao khi đang bước vào vụ thu hoạch. Chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực kết nối, tiêu thụ dứa cho nông dân, phát triển vùng nguyên liệu dứa.
Đầu tháng 4, chúng tôi có mặt trên những ruộng dứa bạt ngàn tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu – vựa dứa lớn nhất của tỉnh Nghệ An với diện tích hơn 1.000 ha. Năm nay rất ít thương lái đánh xe đến tận ruộng để thu mua và với giá dứa như hiện nay, người trồng dứa lại đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Gia đình bà Hồ Thị Dương, xóm 19/8, xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) trồng gần 2 ha dứa Queen. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dứa được bán với giá 5.000 đồng/kg; vào thời điểm này, thương lái chỉ thu mua với giá từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg. Theo bà Dương, do giá vật tư, phân bón, xăng dầu tăng gấp hai lần so với đầu vụ, cùng với giá nhân công cũng tăng theo, để người trồng dứa có chút lãi thì ít nhất giá dứa cũng phải 4.000 đồng/kg.
Trồng hơn 3 ha dứa, Bí thư kiêm xóm trưởng xóm 19/8 Dương Đình Đức ngao ngán: Đây là thời điểm mà giá dứa xuống thấp trong hai năm qua. Năm trước, dứa mua tại ruộng có giá 5.000 đồng/kg. Thời điểm cao nhất có thể lên đến 8.000-10.000 đồng/kg. Với sản lượng từ 35 đến 40 tấn/ha, người dân có thể thu về từ 170 đến 200 triệu đồng. Còn năm nay, gia đình tôi xác định thua lỗ. Cũng theo ông Đức, gần 2/3 số hộ trong xóm trồng gần 200 ha dứa cũng có nguy cơ thua lỗ như gia đình ông, nếu giá dứa không được cải thiện.
Chủ tịch UBND xã Tân Thắng Nguyễn Quốc Khánh lý giải, dứa nguyên liệu tại Nghệ An chủ yếu cung ứng cho các nhà máy chế biến tại Ninh Bình, các tỉnh phía nam và trong tỉnh. Sản phẩm qua sơ chế và chế biến bao gồm nước ép dứa và dứa cắt lát chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga và thị trường châu Âu. Khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, sản phẩm dứa không thể xuất đi nên các nhà máy hạn chế thu mua. Ngoài ra, từ cuối năm 2021 đến nay, do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” nên đã hạn chế nhập khẩu nông sản. Người trồng dứa ở các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Yên Thành (Nghệ An) cũng đều đang chung cảnh dứa “đắng”.
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 1.200 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, trong đó xã Tân Thắng là địa phương có diện tích dứa lớn nhất Nghệ An, với hơn 1.000 ha. Nhờ chất đất phù hợp, dứa trồng ở vùng đồi Tân Thắng cho chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng. Nhiều năm qua, cây dứa là cây trồng chủ lực của xã Tân Thắng, chiếm tỷ trọng hơn 60% thu nhập của ngành nông nghiệp địa phương. Toàn xã có 750 hộ dân thì có đến 380 hộ trồng dứa. Nhiều hộ nông dân trồng dứa có thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/năm. Có thể nói, cây dứa giúp nhiều hộ dân ở xã miền núi này đổi đời, góp phần đưa xã Tân Thắng về đích nông thôn mới năm 2020.
Cán bộ phụ trách địa chính, nông nghiệp xã Tân Thắng, Phan Văn Tuấn cho biết: Tân Thắng đã triển khai mô hình trồng xen dứa với cây keo cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, vừa kết hợp cải tạo đất vừa che mát cho quả dứa không bị rám nắng vào mùa hè. Sau khi thu hoạch dứa xong, chỉ sau ba, bốn năm, người dân lại thu hoạch keo là có thể tiếp tục trồng lại cây dứa. Không phải như trước đây, trồng xong vụ dứa lại phải trồng cây khác để cải tạo đất… Hiện nay, 2/3 diện tích ở Tân Thắng đã triển khai mô hình trồng xen canh cây dứa với cây keo. Bên cạnh đó, người trồng dứa đã thực hiện sản xuất theo phương pháp rải vụ, áp dụng khoa học-kỹ thuật trong việc ra hoa và đậu quả phù hợp từng thời điểm, hạn chế dứa chín tập trung cùng một thời điểm nên đã kéo dài được thời gian thu hoạch dứa. Qua đó đã hạn chế tình trạng thương lái ép giá, giảm bớt được tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại. Cùng với đó, Hợp tác xã Nông sản Hạnh Phúc trên địa bàn xã Tân Thắng đã chế biến dứa thành sản phẩm dứa sấy khô làm bột dứa; làm xi-rô dứa; đồng thời phát triển mô hình trồng dứa hữu cơ để hướng đưa sản phẩm dứa sạch vào siêu thị. Đây là những sản phẩm OCOP ba sao của huyện Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm vẫn còn ít. Hiện Hợp tác xã Hạnh Phúc đang tích cực mở rộng quy mô chế biến, để góp phần tiêu thụ được nhiều dứa cho nông dân.
Một lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: Khó khăn hiện nay của người trồng dứa Nghệ An là đầu ra không ổn định. Để có mùa dứa “ngọt” bền vững, bên cạnh việc vận động người dân trồng rải vụ, thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng chuỗi sản xuất dứa. Trong đó, có việc tiếp tục hỗ trợ thành lập hợp tác xã sản xuất dứa hữu cơ để đưa vào bán tại siêu thị; rà soát, xác định các vùng trồng dứa có lợi thế nhằm cơ cấu lại diện tích; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP. Địa phương sẽ đăng ký truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản cho dứa Tân Thắng. Chủ tịch UBND xã Tân Thắng Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm: Ngoài làm việc với Nhà máy chế biến dứa Nafoods và Đồng Giao, xã muốn kết nối mở các gian hàng bán dứa tại các địa phương trong toàn tỉnh để tiêu thụ dứa cho nông dân vào thời điểm chính vụ thu hoạch.
Về lâu dài, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu Vũ Thị Bích Hằng cho biết, huyện đang tập trung tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm dứa để sớm bình ổn giá. Do đây là vùng sản xuất dứa tập trung, sản lượng khá lớn, nên bên cạnh tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, huyện sẽ tiếp cận, ký hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến để ổn định tiêu thụ dứa cho nhân dân.
Ý kiến ()