Mùa dưa “đắng”
LSO-Minh Hòa là xã trồng nhiều dưa nhất của huyện Hữu Lũng. Trong đó chủ yếu là dưa bở và dưa lê. Năm nay, do sâu bệnh, thời tiết… khiến nhiều diện tích dưa không đậu quả, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho người dân.
Chị Phùng Thị Vân, thôn Keo, xã Minh Hòa thu hoạch dưa bở |
Những ngày đầu tháng 5 này đang là thời điểm chính vụ thu hoạch dưa, thế nhưng tại điểm chợ thu mua dưa của xã Minh Hòa lại rất vắng vẻ. Ông Trần Văn Sĩ, chạy xe ôm gần chợ dưa cho biết: “Tầm này năm ngoái, từ đầu đường quốc lộ 1A vào đến xã ngập tràn dưa, người mua, kẻ bán tấp nập, bà con cắt dưa từ dưới ruộng lên là có thương lái cân ngay. Thế mà năm nay chỉ lác đác vài người bán dưa”. Qua trao đổi, được biết, nguyên nhân chợ dưa nơi đây đìu hiu là do vùng dưa Minh Hòa năm nay mất mùa, sản lượng thu hoạch giảm mạnh.
Gia đình chị Phùng Thị Vân, ở thôn Keo năm nay trồng hơn một mẫu dưa các loại, là hộ trồng nhiều nhất xã Minh Hòa tâm sự: “Chưa có năm nào dưa mất mùa nặng như năm nay, thu hoạch không bằng 1/10 năm trước. Gia đình tôi có 2 sào rưỡi dưa đã bị héo gốc, quả không lớn được. Nhiều diện tích coi như mất trắng…”.
Qua thực tế tìm hiểu, được biết, mỗi sào dưa người dân phải đầu tư khoảng 1 triệu đồng cho chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, mua túi ni lon phủ ruộng… Mỗi sào dưa, nếu bán với giá trung bình 2 nghìn đồng/kg như năm 2016 thì cho thu lãi khoảng 3 triệu đồng. Theo bà con trồng dưa, giá thu mua dưa hiện nay từ 5 – 6 nghìn đồng/kg, tuy vậy, do mất mùa nên giá cao cũng không có nhiều dưa để bán.
Ông Mạc Văn Chiến, cán bộ khuyến nông xã Minh Hòa cho biết: Vụ này, toàn xã trồng được 18,5 ha dưa các loại. Đây là một trong số những cây trồng truyền thống của bà con trong xã. Tuy nhiên, năm nay do diễn biến thời tiết phức tạp nên cây dưa bà con trồng đa phần đều bị bệnh đốm lá, vàng lá, cháy khiến cho toàn xã hỏng mất 70% diện tích dưa đã trồng.
Theo bà con trồng dưa cho biết, dưa lê, dưa bở… là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc. Hạt giống tự sản xuất được, chỉ cần chọn quả chín già bổ lấy hạt phơi khô, bảo quản kỹ là sang năm hoàn toàn chủ động ươm trồng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, khiến cho vụ dưa năm nay bị mất mùa, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con.
Ông Hoàng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết: Ở các thôn trồng nhiều dưa thì không có công trình thủy lợi, trong khi đó năm nay thời tiết hạn hán nên các hộ trồng dưa trong xã ở thôn Keo, thôn Chim… đều bị mất mùa. Xã cũng đã kiến nghị lên huyện về khó khăn này, nhưng đến nay chưa thể khắc phục vì cách xa nguồn nước. Với nguồn lực của xã thì không đủ để đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Qua trao đổi với lãnh đạo xã được biết, ngoài yếu tố về thời tiết, thì việc trồng, chăm sóc dưa hiện nay của bà con vẫn theo cách truyền thống, chưa áp dụng phương pháp chăm sóc mới nên sản lượng, cũng như chất lượng dưa ở Minh Hòa không tăng nhiều. Một mặt do thời tiết không thuận, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, nhưng mặt khác người nông dân cũng chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất; công tác dự tính, dự báo và định hướng sản xuất cho bà con nông dân còn nhiều hạn chế…đó là bài học không chỉ riêng của Minh Hòa mà còn là bài học chung ở các vùng sản xuất khác. Muốn phát triển thành vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn thì người dân cần tăng cường áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời công tác đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, dự báo, định hướng và liên kết sản xuất cũng có vai trò rất quan trọng.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()