Mùa dưa bở ở Kim Bôi
Những ngày này, nông dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đang tất bật thu hoạch dưa bở. Hiệu quả từ loại cây trồng mang tính thời vụ này đang giúp bà con có thêm thu nhập, phát triển đời sống.
Khoảng trung tuần tháng 5, giữa tiết trời nóng oi ả cũng là thời điểm dưa bở ở Kim Bôi vào chính vụ thu hoạch. Từng quả dưa chín thơm mát, ngọt lành như sự đáp đền bao công sức chăm bón của người nông dân. Những năm gần đây, cứ đến vụ dưa bở là thương lái từ nhiều tỉnh lại đổ về Kim Bôi thu mua khá nhộn nhịp. Với đặc điểm là loại cây trồng ngắn ngày, đòi hỏi vốn đầu tư ít, không yêu cầu quá cao về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh mà lại được thương lái về tận nơi thu mua nên cây dưa bở đã được nhiều hộ dân lựa chọn để canh tác.
Người dân xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) chuẩn bị dưa bở để xuất bán cho thương lái.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay từ sáng sớm, dọc theo tuyến tỉnh lộ 12B đoạn qua bản Mỵ, bản Mý Đông… của xã Mỵ Hòa đã tấp nập cảnh vận chuyển dưa lên các xe tải. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây dưa bở sinh trưởng và phát triển khá tốt. Theo người dân cho biết thì năm nay giá dưa bở vẫn đang giữ ở mức cao. Thời điểm đầu vụ, giá dưa bở được thương lái thu mua là khoảng 12 – 14 nghìn đồng/kg; giá bán cho khách lẻ là khoảng 15 – 17 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm này, đang là chính vụ thu hoạch, giá thu mua còn khoảng 6 – 7 nghìn đồng/kg. Mức giá này ngang với năm ngoái và được giữ khá ổn định.
Vốn là một xã thuần nông, đồng bào dân tộc Mường ở xã Mỵ Hòa chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khoảng từ năm 2008, người dân địa phương đã mạnh dạn đưa giống dưa bở vào trồng để có thêm thu nhập. Đến nay, trong xã đã có nhiều hộ khá, giàu lên nhờ trồng dưa. Đến thăm ruộng dưa bở của gia đình chị Hà Thị Sinh ở bản Mý, chúng tôi được biết, năm nay, diện tích trồng dưa bở của gia đình chị là gần 0,5ha, với trên 5.000 gốc. Sau khi xuống giống khoảng 3 tháng là cây bắt đầu cho thu hoạch. Theo chị Sinh cho biết, tính trung bình 1 gốc thu được 5 quả (tương đương thu 3kg/1gốc), sau khi trừ các loại chi phí, giá trị kinh tế thu được trên mỗi gốc dưa bở vào khoảng 12 nghìn đồng. Bằng kinh nghiệm gần 10 năm gắn bó với cây dưa bở, chị Sinh chia sẻ: Thời điểm này, hầu hết diện tích dưa trong xã đều đang cho thu hoạch rộ. Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, các gi đình cơ bản đều thực hiện thu hoạch gối đợt, cứ mỗi đợt vài tạ quả. Tuy vất vả nhưng ai cũng vui vì dưa bở năm nay được mùa. “Ước tính vụ dưa bở này nhà tôi thu được khoảng 60 triệu đồng. Trồng dưa bở vừa giúp tận dụng được diện tích sản xuất, vừa cho thu nhập gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa”, chị Sinh nói thêm.
Theo kinh nghiệm của người trồng dưa bở ở huyện Kim Bôi thì cây dưa bở sau khi trồng khoảng hơn 3 tháng là sẽ cho thu hoạch. Thông thường, cuối tháng giêng, đầu tháng 2 âm lịch là người dân sẽ bắt đầu xuống giống. Đến khoảng giữa tháng 5 dương lịch là cây dưa cho thu hoạch đợt đầu. Tùy theo thời tiết từng năm, thời gian thu hoạch dưa bở của nông dân có thể kéo dài từ 1 – 1,5 tháng. Do đặc điểm trái dưa chín theo đợt nên việc thu hái khá thuận lợi. Hơn nữa, vụ thu hoạch lại thường rơi vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu của người dân tăng cao, nên những năm gần đây, quả dưa bở Kim Bôi có đầu ra khá ổn định; quả thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Với vị ngọt thanh, thơm mát, an toàn nên ngày càng có nhiều thương lái tìm về mua dưa bở Kim Bôi.
Được biết, đến nay, toàn huyện Kim Bôi đang có khoảng gần 100 ha trồng dưa bở. Riêng xã Mỵ Hòa, diện tích dưa bở đã là khoảng 35,5 ha; tập trung ở các bản như: Ba Giang, Mý Đông, Mỵ Thành, bản Mỵ… Ngoài ra, cây dưa bở còn phát triển ở một số xã khác như Tú Sơn, Nam Thượng, Sào Báy… Theo đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi chia sẻ: Thực tế phát triển cây dưa bở trên địa bàn huyện trong những năm qua cho thấy, cây dưa bở mang lại giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác. Tuy nhiên, đến nay, diện tích trồng dưa chủ yếu đang tập trung ở một số xã. Thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu mở rộng thị trường, bảo đảm tốt hơn đầu ra; đồng thời có biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ trong sản xuất để người nông dân phát triển diện tích bền vững cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể nói, cây dưa bở đang trở thành một loại cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương ở huyện miền núi Kim Bôi (Hòa Bình). Với đặc điểm dễ canh tác, ít bị sâu bệnh và được thu mua tại ruộng, cây dưa bở đã giúp nhiều hộ nông dân ở Kim Bôi có thêm thu nhập, phát triển đời sống gia đình./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()