“Mùa đông nhân khẩu học” tại châu Âu
Già hóa dân số là vấn đề đáng lo ngại, đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của châu Âu. Trong nỗ lực giảm đến mức thấp nhất những hệ lụy do dân số già hóa nhanh chóng, chính phủ các nước đã triển khai nhiều chính sách như thu hút thêm lao động nước ngoài, tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích tăng tỷ lệ sinh.
Mùa đông nhân khẩu học” là cụm từ thường được nhắc đến khi nói về tình trạng già hóa dân số kéo dài nhiều năm qua tại châu Âu. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), hơn 20% số dân Liên minh châu Âu (EU) hiện ở độ tuổi hơn 65 và con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tỷ lệ người hơn 80 tuổi dự kiến cũng tăng từ 5,9% năm 2020 lên 14,6% vào năm 2100. Trong khi đó, bất chấp chính sách khuyến khích gia tăng dân số, tỷ lệ sinh giảm mạnh trong những năm qua, nhất là ở các nước Italia, Tây Ban Nha. Tại Italia, quốc gia đang đối mặt “bài toán” già hóa dân số nghiêm trọng, một nửa số dân hơn 47 tuổi, trong khi số lượng trẻ em mới sinh giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1861. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Italia, tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm tới 30% chỉ trong hơn 10 năm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, già hóa dân số là một thành tựu của quá trình phát triển, song cũng đặt ra những thách thức về kinh tế, xã hội đối với chính phủ các nước EU. Trong ngắn hạn, một xã hội với dân số già sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân lực và giảm năng suất lao động. Về lâu dài, số người trong độ tuổi lao động giảm sẽ khiến nguồn thu từ thuế giảm, trong khi chi phí cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, từ đó gia tăng gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.
Các nhà lãnh đạo EU đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách nhằm khắc phục những tác động tiêu cực nêu trên. Mở rộng cánh cửa chào đón người nhập cư là cách Chính phủ Đức áp dụng. Viện Kinh tế Đức ước tính, lực lượng lao động tại nước này sẽ giảm hơn 300 nghìn người trong năm 2022 do số lao động đến tuổi về hưu lớn hơn số người gia nhập thị trường lao động. Con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 650 nghìn người vào năm 2029 và nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu có thể phải đối mặt tình trạng thiếu tới năm triệu người trong độ tuổi lao động vào năm 2030. Giới chuyên gia cho rằng, lực lượng lao động ngày càng giảm đang trở thành “một quả bom hẹn giờ” đối với hệ thống lương hưu của Đức. Trong cuộc họp báo mới đây, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck (R.Ha-bếch) nhấn mạnh, nước này cần tăng số lượng người nhập cư để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt lao động hiện nay.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, quốc gia đang phải chịu áp lực lớn khi chuẩn bị chứng kiến “làn sóng về hưu” của các thế hệ sinh vào những năm 1960 và 1970, Chính phủ Thủ tướng Pedro Sanchez (P.Xan-chét) mới đây đã thỏa thuận với các nghiệp đoàn về việc nâng mức đóng góp an sinh xã hội. Theo đó, mức đóng góp an sinh xã hội sẽ tăng thêm 0,6% trong giai đoạn 2023-2032 và sẽ được xem xét điều chỉnh sau năm 2032. Một số quốc gia khác như Italia, Hungary cũng đang tích cực triển khai các phương án như tăng tuổi về hưu, khuyến khích sinh con, xây dựng hệ thống hưu trí bền vững.
Những giải pháp nêu trên của chính phủ các nước EU đã mang đến kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, châu Âu cần nhiều hơn thế để có thể thoát khỏi những hệ lụy từ tình trạng già hóa dân số kéo dài nhiều năm qua. Việc sớm thực thi những chính sách nhằm cải thiện cơ cấu dân số có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của khu vực.
Ý kiến ()