Mùa đông, lo ngại "làn sóng phá sản" ở châu Âu
Các quốc gia châu Âu đang bước vào một mùa đông lạnh giá với nhiều âu lo khi số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh trên toàn “lục địa già”. Ngoài mối lo dịch bệnh, giới chức châu Âu còn lo ngại một “làn sóng phá sản” của các doanh nghiệp đang đến gần vì những khó khăn do Covid-19 gây ra.
Những ngày gần đây, châu Âu trở lại thành “tâm bão” của dịch bệnh. Tuần trước, châu lục này có số ca mắc mới cao hơn hẳn các châu lục khác, với gần 1,9 triệu ca, tăng 15% so với một tuần trước đó, số ca tử vong cũng tăng 10%. Ðức, Hy Lạp và Slovakia đang trải qua những ngày có số ca mắc cao chưa từng có; Nga, Bulgaria và Ukraine ghi nhận ngày có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất từ khi đại dịch bùng phát.
rước tình trạng nêu trên, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đã xếp 10 thành viên Liên minh châu Âu, trong đó có Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp và các nước Ðông Âu vào danh sách “rất đáng lo ngại” về dịch bệnh. Hội chứng “làn sóng dịch mùa đông” khiến các nước đang đau đầu tìm giải pháp ứng phó, với hàng loạt các biện pháp chống dịch mạnh tay hơn được triển khai. Chẳng hạn như Áo phong tỏa toàn quốc, Hà Lan áp đặt lại biện pháp phong tỏa một phần, Pháp hoãn nới lỏng các biện pháp phòng dịch…
Làn sóng dịch thứ tư không chỉ làm gia tăng số người nhiễm bệnh và chết vì Covid-19, mà còn có nguy cơ làm phá sản kế hoạch phục hồi kinh tế của nhiều nước châu Âu, thậm chí đẩy thêm nhiều doanh nghiệp lâm cảnh phá sản. Tại Ðức-nền kinh tế đầu tàu châu Âu, giới chuyên gia đang lo ngại một “làn sóng phá sản” vì Covid-19 trong thời gian tới. Báo chí Ðức cho biết, trong bối cảnh nhiều bang áp đặt lại các biện pháp hạn chế, thậm chí phong tỏa cục bộ để hạn chế tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh, nhiều nhà bán lẻ đang phải chuẩn bị một “kịch bản tồi tệ nhất” khi công việc kinh doanh trở nên vô cùng khó khăn. Tại bang Bayern, sau khi chính quyền ban hành lệnh phong tỏa, hầu hết các cửa hàng bán lẻ phải tạm thời đóng cửa. Tình hình tại nhiều bang khác cũng không sáng sủa hơn. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ lo ngại sẽ không tồn tại được và họ buộc phải nộp đơn xin phá sản.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia y tế và giới chức châu Âu đã khuyến cáo chính phủ và người dân tăng cường tiêm vaccine ngừa Covid-19 để cải thiện tình hình. Chính phủ Áo đã đưa ra yêu cầu tiêm phòng bắt buộc với người dân có hiệu lực từ tháng 2/2022, nhấn mạnh rằng việc tăng tỷ lệ tiêm phòng là “cách duy nhất để phá vỡ vòng lây nhiễm hiện nay”. Chính phủ Ðức cũng đang gia tăng áp lực với nhóm chưa tiêm phòng bằng cách công bố các kế hoạch hạn chế nhiều hoạt động giải trí với nhóm này trên hầu khắp cả nước.
Tình hình u ám tại châu Âu sẽ là lời cảnh báo cho tất cả các quốc gia trên thế giới đang thực hiện chiến lược “sống chung với Covid-19” hiện nay. Nếu việc mở cửa lại nền kinh tế không được thực hiện song hành với công tác “phủ sóng vaccine” và chống dịch nghiêm ngặt, nhiều quốc gia khó tránh khỏi nỗi âu lo như của châu Âu hiện nay.
Ý kiến ()