Mưa dầm gây thiệt hại cho người trồng lúa
Hơn tuần qua, mưa dầm kéo dài làm nhiều diện tích lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch ở Hậu Giang bị đổ ngã, không thu hoạch được; còn lúa thu đông mới gieo sạ cũng bị chết hàng loạt, phải sạ lại, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.
Sau thời gian nắng nóng kéo dài, những cơn mưa đầu mùa giúp giải hạn cho nông dân. Tuy nhiên, hơn tuần nay, mưa liên tục đã gây rất nhiều khó khăn cho việc thu hoạch lúa hè thu của bà con. Nhiều diện tích lúa bị đổ ngã, lúa bắt đầu lên mộng do quá ngày thu hoạch, khiến nông dân vô cùng lo lắng.
Đến thời điểm này, bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch gần 20 nghìn/77 nghìn ha lúa hè thu. Theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh, sẽ có khoảng 20 nghìn ha lúa hè thu được nông dân tập trung thu hoạch rộ trong tuần tới. Tuy nhiên, trong điều kiện mưa dầm như hiện nay, tiến độ thu hoạch lúa của bà con bị chậm đi khá nhiều.
Trong khi đó, lúa quá thời gian thu hoạch, càng để lâu hạt lúa bị rụng, thất thoát càng cao, nên nhiều nông dân đã thuê nhân công thu hoạch lúa bằng tay với chi phí tăng cao. Ngoài chi phí tăng, việc thu hoạch lúa bằng tay còn có bất lợi khác là không bán được lúa tươi mà phải đem về thuê lò sấy.
Bên cạnh việc gặp khó trong thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu, những nông dân có lúa thu đông gieo sạ sớm cũng mất ăn mất ngủ vì lúa bị chết do mưa dầm gây ngập úng. Tuy chưa có thống kê cụ thể của ngành chức năng, nhưng thực tế mấy ngày qua, đã có nhiều diện tích lúa thu đông bị chết, nông dân phải xuống giống lại.
Lúa thu đông mới sạ bị chết vì ngập úng.
Ngoài ra, còn có hiện tượng lúa lên cây, ra rễ trắng ngay trên bông xảy ra ở một số diện tích lúa. Theo ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, hiện tượng này hoàn toàn là do yếu tố thời tiết gây nên. Qua ghi nhận bước đầu thì một số loại giống lúa cao sản, ngắn ngày không có thời gian ngủ nghỉ (miên trạng), nên đến khi thu hoạch, gặp phải thời điểm mưa gió kéo dài trong nhiều ngày, dẫn đến độ ẩm cao rất dễ xảy ra tình trạng kể trên. Tỷ lệ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào độ chín, mức độ đổ ngã của ruộng lúa. Riêng hiện tượng hạt lúa nứt vỏ, cũng có thể một phần là do ảnh hưởng thuốc dưỡng bông.
Lúa lên cây, ra rễ trắng ngay trên bông.
Người dân đang hy vọng trời sẽ sớm hết mưa để tranh thủ thu hoạch lúa hè thu, vì đã quá ngày cắt khá nhiều, đồng thời vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ lúa thu đông và sạ lại ở những diện tích đã bị chết cho kịp thời vụ. Bà con cũng mong muốn các ngành chức năng sớm có biện pháp trong việc giúp bà con tiêu thụ lúa hè thu được thuận lợi và có những chính sách hỗ trợ cho những hộ có lúa thu đông bị chết phải sạ lại.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()