Mua bán ngà voi dễ dàng nhưng bắt giữ, ngăn chặn lại khó khăn
Voi được xác nhận là động vật lớn nhất trên trái đất, nhưng cũng là loài bị giết hại có tiếng trên thế giới, liệu ngà voi có phải là nguyên nhân dẫn tới những cái chết đau đớn của loài vật to lớn này?
Hiện nay, voi được xác định là loài động vật lớn nhất trên Trái Đất, nhưng cũng là loài động vật bị giết hại có tiếng trên thế giới. Liệu ngà voi có phải là nguyên nhân dẫn tới những cái chết đau đớn của loài vật to lớn này? Hay chính niềm tin mù quáng của người dùng, cách lừa bịp của người buôn, sự thờ ơ của lực chức năng, cùng chế tài xử lý còn nhẹ của luật pháp đã gián tiếp sát hại “người bạn lớn”?
Gieo rắc niềm tin mù quáng
Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội luôn “ngập tràn” các thông tin quảng cáo “ngà có đặc điểm là rất cứng, mịn, dễ chế tạo các đồ trang sức mang tính phong thủy; được coi là linh vật có uy quyền, mang lại sự bình an, và sự phát triển gia thế, gia chủ, thu hút nhiều may mắn, tình duyên, tài lộc trong việc kinh doanh; xua đuổi tà khí… Vì vậy sản phẩm được làm từ ngà luôn rất đặc biệt và có giá trị cao.”
Những lời quảng cáo có cánh, lừa bịp trên đã “đánh” thẳng vào tâm lý người mua với mong muốn sở hữu những sản phẩm trang sức độc lạ được làm từ ngà voi.
Lần theo những lời quảng cáo có cánh trên, trong nhiều ngày tìm hiểu, không chỉ ở Đắk Lắk, mà tại thành phố du lịch Đà Lạt hay Thành phố Hồ Chí Minh sôi động, chúng tôi đều dễ dàng tìm được các cửa hàng bán sản phẩm chế tác từ ngà voi. Người bán mải miết mời chào, người mua mê mẩn xem hàng, lựa chọn.
Không biết từ bao giờ, người ta bị gieo rắc vào đầu niềm tin mù quáng rằng lông đuôi voi, ngà voi sẽ đem lại may mắn cho người sở hữu. Còn người buôn bán thì tin rằng những công dụng trừ tà, ổn định huyết áp là bài để “móc túi” người tiêu dùng.
Hiểu biết vẫn tin, mù quáng vẫn tin, nhưng không phải ai cũng biết để có những sản phẩm “gắn mác” trừ tà, linh vật có uy quyền đó, mỗi năm có tới hàng trăm, hàng nghìn con voi trên thế giới bị giết để lấy ngà, mà mục đích chỉ để phục vụ cho nhu cầu thương mại của những con buôn và sự mù quáng của nhiều người.
Trước tình trạng tàn sát voi rừng, voi nhà, rồi nhiều vụ bắt giữ cả container ngà voi từ châu Phi về Việt Nam, câu hỏi đặt ra là hàng tấn ngà voi đó đã được tiêu thụ ra sao? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng theo các chuyên gia thì ngoài số lượng ngà voi bị thẩm lậu qua biên giới đi sang nước thứ ba, không ít sản phẩm từ ngà voi đã giữ lại tại Việt Nam để tuồn đi tiêu thụ khắp nơi ở trong nước.
Điều đáng nói là, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ ngà voi là những hành vi bị lên án, vi phạm cả luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế – CITES mà Việt Nam đã là thành viên cách nay gần 20 năm. Hơn thế, việc tiêu thụ các sản phẩm từ ngà voi cũng đã góp phần kích cầu dẫn đến nguy cơ tàn sát và tuyệt chủng của loài voi.
Quay trở lại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi từng được xem là điểm nóng về thực trạng buôn bán ngà voi, tìm hiểu được biết những năm gần đây khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, việc mua bán các sản phẩm làm từ ngà voi đã không còn công khai, nhưng lại “ẩn” vào trong những tiệm vàng.
Chúng tôi ngẫu nhiên khảo sát 5 cửa hàng vàng bạc quanh đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần chợ trung tâm Đà Lạt và Thương xá Latuylip, thì cửa hàng nào cũng bán các sản phẩm từ ngà voi, lông đuôi voi…
Đơn cử như ở tiệm vàng H.K. trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, người bán hàng cho chúng tôi xem mặt dây chuyền chạm hình Phật quan âm chạm vàng. Thậm chí, ở Dinh 3 Bảo Đại, một cửa hàng bán đồ lưu niệm còn đề biển “nhẫn lông đuôi voi” và cam kết đó là lông đuôi thật.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiệm vàng NT. trong Trung tâm thương mại An Đông, quận 5, người bán hàng lại giới thiệu với chúng tôi đủ thứ nữ trang chế tác từ ngà voi. Người bán nhắn nhủ muốn làm mẫu nào thì gửi hình cho họ.
Tương tự, ở ngay gian hàng đầu tiên của cổng Tây chợ Bến Thành, bà N. cũng đưa cho chúng tôi xem những chiếc vòng tương tự được chế tác từ ngà voi. Bà còn quảng cáo “vòng ngà này trừ được tà, ổn định huyết áp, mang trên người rất tốt cho sức khoẻ.” Tuy nhiên, bà N. cũng không quên nhắc khách lưu ý giúp vì lý do “bán ở đây phải cất giấu kỹ, chứ sợ quản lý thị trường phát hiện, họ bắt.”
Với cách thức mua bán ngà voi trên, chưa kể đến việc chúng tôi quá dễ dàng mua các sản phẩm từ ngà voi, thậm chí là cả khúc ngà, thì riêng việc sản phẩm giả ngà cũng đã đáng lên án rồi, bởi vô hình nó đã gieo rắc vào tâm lý người ta về thứ công dụng “trời ơi đất hỡi” nào đó của ngà voi. Vậy mà, vì lợi nhuận, lòng tham, hay sự vô cảm, người buôn ngà vẫn cứ luôn miệng quảng cáo để bán hàng.
Ông Khăm Phết Lào, con trai của Vua voi Ama Kông, người săn và thuần dưỡng được nhiều voi rừng nhất Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, thời ông nội mình, kẻ nào giết voi lấy ngà mà bị cộng đồng phát hiện sẽ bị phạt, thậm chí còn bị tử hình.” Rồi ông ngán ngẩm: “Khách hàng cứ hỏi mua, tìm mua nên nó mới giết voi cướp ngà.”
Sự thờ ơ hay ‘lỗ hổng’ pháp lý?
Khi chúng tôi đem những gì khảo sát, thu thập được đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Môi trường, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, một số đồng chí cho biết: “Hiện nay, nhìn mắt thường thì thấy thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ngà voi buôn bán nhưng thực tế thì nhỏ lẻ chứ không nhiều như một số nơi khác có hàng tấn, hàng tạ ngà voi được nhập khẩu từ châu Phi về. Trước đây, phòng phối hợp với Hải Quan Tân Sơn Nhất bắt được hai cặp ngà voi nặng mấy chục ký vẫn còn đang để ở kho chưa chuyển đi được.”
Sau khi nghe phóng viên trao đổi những nội dung đã tìm hiểu và ghi hình được trước đó tại một số điểm trong Thành phố Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại An Đông, khu phố An Bình…, lãnh đạo Phòng cảnh sát Môi trường cho rằng: “Anh em có nhiều thông tin về hàng ngà voi và đang xác minh, mình đã báo cáo lãnh đạo, chủ yếu xác minh ngà voi nhập khẩu. Các cửa hàng chế tác nguyên liệu từ ngà voi là có nhưng thực tế số lượng không nhiều.”
Còn nói về những khó khăn trong thời gian qua, vị lãnh đạo này cho hay: “Thực tế anh em gặp nhiều khó khăn vì có nhiều thông tin. Trên mạng bây giờ nó bán đủ các loại, hàng thật, giả, giá cả thế này thế khác. Nhiều khi các tổ chức chuyển thông tin cho nhưng anh em có 3 người mà phải quản lý cả thành phố này nên xử lý không kịp, làm không xuể.”
Cũng phải khẳng định, cả Phòng cảnh sát Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có vài người, nhưng thành phố diện tích rộng, đông dân nhất cả nước. Và lực lượng này còn kiêm nghiệm các công việc khác như khai thác cát, ô nhiễm môi trường… nên việc điều tra, theo dõi các vụ việc gặp rất nhiều khó khăn.
“Công việc đâu phải chỉ quản lý mỗi việc buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã mà còn những việc liên quan đến môi trường, phá rừng, đốt rừng… Năm 2017-2018, tình trạng khoáng sản ‘nóng’ nên phải tập trung cả ba anh em đi xử lý các vụ khoáng sản. Bắt những tàu to tạm giữ xử lý nhưng không có bãi nào nên đậu tận ngoài kia, rồi phải cử người đi trông cả ngày lễ tết,” lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường nói.
Còn tại Đắk Lắk, nhóm phóng viên đã chia sẻ thông tin với Công an tỉnh kèm những hình ảnh, địa chỉ, những đối tượng buôn bán rõ ràng, nhưng sau gần một tháng điều tra của cơ quan chức năng, thông tin phóng viên nhận được lại là các lực lượng chức năng đã “kiểm tra mấy điểm nhưng chưa giám định được nên không thể bắt.”
Điều đáng nói là, chỉ bằng các hình thức nhập vai khách mua hàng đơn giản, nhưng phóng viên vẫn tiếp cận, ghi được những hình ảnh người buôn bán ngà voi và các sản phẩm ngà voi, thậm chí còn được quay phim, chụp ảnh thoải mái. Chính người bán còn đưa cả sản phẩm thật và sản phẩm giả ra so sánh cho khách xem. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng vào cuộc lại rất khó bắt, xử lý vi phạm bởi muôn vàn khó khăn, trở ngại…./.
Hiện nay, tình trạng buôn bán ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, song việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ngà voi lớn vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trên khía cạnh xử phạt.
Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) để rõ hơn về thực trạng buôn bán ngà voi, từ đó kiến nghị giải pháp đấu tranh, xử lý.
Ý kiến ()