Mù Cang Chải mùa nước đổ: Bức bích họa giữa đại ngàn Tây Bắc
Ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời, và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Nếu có dịp đến Mù Cang Chải vào tháng 5-6, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang nơi đây vào mùa nước đổ.
Không thẳng cánh cò bay như những cánh đồng ở vùng đồng bằng phù sa châu thổ, những thửa ruộng ở vùng cao ở Tây Bắc nói chung và Mù Cang Chải nói riêng cứ chồng lấn lên nhau từ lớp này đến lớp khác như những bậc thang bắc lên trời xanh.
Mặc dù công việc khai đất và dẫn nước cho ruộng bậc thang nơi đây có khó khăn hơn, nhưng bù lại, ngoài những vụ mùa bội thu, những dân tộc nơi đây còn kiến tạo nên một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ. Đó là những mảng màu đa sắc của ruộng bậc thang mùa nước đổ, đẹp tựa một bức bích họa giữa đại ngàn cao nguyên Việt Nam.
Không màu mè, lộng lẫy như mùa thu, khi ruộng bậc thang Tây Bắc được nhuộm bởi màu vàng óng ả của sắc nắng và những bông lúa chín trĩu hạt, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ mang một gam màu trầm, một vẻ hoang sơ, đúng chất của Tây Bắc.
Lúa vùng này mỗi năm chỉ có một vụ, thường thu hoạch vào tháng 10, thu hoạch xong thì để mặc ruộng với trời đất.
Đến chừng tháng Hai, khi có những cơn mưa xuân trút xuống cũng là lúc bắt đầu có nước. Hình thái ruộng bậc thang giúp cho việc hứng và giữ nước được tối đa nhất.
Từng nguồn nước ít ỏi được chảy từ ruộng cao nhất, tràn qua bờ xuống vùng trũng hơn, cứ thế cho đến thửa ruộng thấp nhất giáp với lòng suối.
Cả 3 tháng ròng từ tầm tháng Hai đến tháng Năm là lúc ruộng chờ nước, nước vào thì bắt đầu cày bừa rồi gieo mạ và cấy. Chính vì thế, tháng 4-5 cũng là khoảng thời gian cấy chính cho vụ lúa chín tháng 10.
Có lúc cả mặt ruộng như mặt gương soi bóng bầu trời xanh ngắt, cũng có lúc cả đám mạ non xanh mơn mởn giữa vùng đất vàng nâu, dăm ba cô gái Mông váy áo sặc sỡ đang khom người xuống cấy, những chàng trai Mông đang cày, đang bừa.
Màu vàng của đất chưa cấy, màu trắng loang loáng của nước đã đổ, màu xanh của nương mạ, màu đỏ của hoa gạo, màu bàng bạc của dòng suối chảy vắt qua giữa thung lũng cùng vô số màu sắc từ những chiếc váy áo, từ cuộc sống lao động hăng say đã làm nên những mùa xuân miền núi.
Vùng rẻo cao của Yên Bái hiện lên với màu của đất nâu hòa quyện cùng trời xanh và mặt nước óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ. Vào mùa nước đổ, Mù Cang Chải khoác lên mình chiếc áo mới đầy màu sắc, quyến rũ một cách riêng khác với thời điểm lúa chín tháng 10.
Ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời, và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Khau Phạ.
Cảnh nơi đây kỳ thực là những món quà kỳ vĩ vào mùa hạ dành cho phượt thủ lẫn cũng như các bạn yêu thích cảnh vật, thiên nhiên, sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa. Và gương mặt ngây thơ của những đứa trẻ vùng cao cũng là những điểm nhấn thú vị tại nơi này.
Lũ trẻ con cũng tung tăng theo bố mẹ, đứa ngồi trên bờ trông em, đứa lớn thì vận chuyển mạ, đứa lại đang vắt vẻo trên cây gạo giữa thung lũng hái những bông hoa rực đỏ cuối mùa báo hiệu thời tiết dần hết lạnh.
Huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 61.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác.
Sự đa dạng về dân tộc cũng tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng cao đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ.
Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, đẩy lui đói nghèo mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp Mù Cang Chải trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha – thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam – đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia.
Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Nhằm quảng bá du lịch cũng như vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải , bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải ( Yên Bái ) cho biết hoạt động du lịch “Mùa nước đổ” năm 2020 huyện Mù Cang Chải sẽ chính thức khai mạc ngày 30/5.
Hoạt động du lịch này nhằm hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam,” giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch hấp dẫn, các sản phẩm đặc sắc và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông ở Mù Cang Chải đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đồng thời đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên mảnh đất Mù Cang Chải.
Bên cạnh đó, hoạt động cũng tạo cơ hội kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào Mù Cang Chải trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo sinh kế, đem lại thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông.
Theo kế hoạch, hoạt động du lịch “Mùa nước đổ” năm nay gồm nhiều nội dung Lễ phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 30/5; Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” diễn ra vào các ngày thứ 7, Chủ nhật trong tuần, từ 30/5 – 15/7.
Các hoạt động trải nghiệm Mùa nước đổ sẽ diễn ra từ 25/5 đến 10/7, với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Trong đó, tiêu biểu như hoạt động du lịch cộng đồng cho du khách trải nghiệm những giá trị văn hóa dân tộc Thái, Mông; khám phá cảnh quan thiên nhiên; trải nghiệm thực hành làm các sản phẩm văn hóa vẽ hoa văn bằng sáp ong, chế tác nhạc cụ, biểu diễn các tiết mục văn nghệ.
Huyện cũng tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, văn hóa ẩm thực các dân tộc trên địa bàn; các hoạt động làm bờ, dẫn nước, cầy bừa, cấy lúa, xe lanh, dệt vải để các du khách tham gia trải nghiệm.
Ngoài ra, còn có đêm văn nghệ giàu bản sắc dân tộc vào các tối thứ 7 hàng tuần, trong thời gian từ 30/5-20/7. Các tour du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá được tổ chức trong suốt thời gian hoạt động du lịch Mùa nước đổ diễn ra.
Tại đây, du khách sẽ được tham quan, khám phá các điểm du lịch như Khu vực mâm xôi, đỉnh núi Tháp trời (xã La Pán Tẩn); khu vực “Móng ngựa”, rừng tre (xã Mồ Dề); thác rồng, đồi thông, sống lưng Khủng Long (xã Dế Xu Phình); đỉnh Lùng Cúng (xã Nậm Có) và khu vực Pang Cáng (xã Kim Nọi); bãi đá cổ, ruộng bậc thang (xã Lao Chải)./
Ý kiến ()