MTTQ đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội
LSO-Từ khi hoạt động giám sát và phản biện xã hội được quy định trong Hiến pháp, công tác này ngày càng được Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện; qua đó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đại biểu đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo |
Để công tác giám sát, phản biện đạt mục đích, yêu cầu đề ra, ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề nghị thông báo các chương trình cần giám sát, phản biện. Từ đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội tổ chức họp bàn, thống nhất về nội dung, đối tượng, địa bàn giám sát để tránh trùng lặp; xây dựng chương trình kế hoạch, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đơn vị. Chẳng hạn, phân công hội nông dân giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp; hội liên hiệp phụ nữ giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Cách làm trên vừa đảm bảo giám sát, phản biện “đúng” và “trúng”, vừa đảm bảo triển khai sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, tác động tới nhiều tầng lớp nhân dân. Nếu như năm 2014 và 2015, MTTQ các cấp trong tỉnh nổi bật trong tham gia giám sát thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng thì trong năm 2016, công tác này được mở rộng ở nhiều phạm vi và đi vào những phần việc rất cụ thể. Điển hình là Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức được 2 hội nghị phản biện về Dự án xây dựng cầu Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn và phản biện về Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Các hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn; nhiều đại biểu đều tham gia ý kiến mang tính xây dựng. Ví như trong hội nghị phản biện về Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức đầu tháng 10/2016 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng luật cần có sự phân cấp rõ ràng trong quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Có ý kiến cho rằng nên bỏ nhà thờ dòng họ ra khỏi danh mục cơ sở tín ngưỡng được quy định trong dự thảo luật…
Cũng trong năm nay, MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại một số xã như: Xuân Mãn (huyện Lộc Bình), Đình Lập (huyện Đình Lập). Tại các xã, đoàn đã thu được 25 ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan. Cùng với đó phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức giám sát được 16 cuộc về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chế độ, chính sách với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; một số chính sách liên quan tới cựu chiến binh…
Bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013 và tại Quyết định số 217 – QĐ/TW, Quyết định số 218 – QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Để công tác này được hiệu quả thì trước hết những người làm công tác này phải có chuyên môn, nắm vững kiến thức về những nội dung cần giám sát, phản biện. Do đó, thời gian qua, MTTQ tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận. Từ đầu năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn cho 280 đại biểu là lãnh đạo các tổ chức đoàn thể của tỉnh, cán bộ chuyên trách MTTQ các huyện, thành phố và chủ tịch Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn. Cấp huyện và cơ sở cũng tổ chức được gần 40 hội nghị có nội dung liên quan, thu hút trên 1.800 đại biểu tham dự.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, kinh nghiệm rút ra từ các hoạt động giám sát, phản biện là phải nắm tình hình thực tế, kiểm chứng thông tin để thực hiện được khách quan, chính xác. Kế hoạch giám sát phải chi tiết, cụ thể; lựa chọn những nội dung, lĩnh vực mà xã hội đang quan tâm. Phải quy tụ được những chuyên gia trên các lĩnh vực vào các Hội đồng tư vấn của MTTQ tỉnh, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện… Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()