MPLA với mục tiêu xây dựng "Ðảng ở giữa lòng dân"
Đại diện cấp cao Đảng MPLA cùng Đoàn đại biểu Ban Dân vận T.Ư Đảng CS Việt Nam. Đoàn đại biểu Ban Dân vận T.Ư Đảng CS Việt Nam mới đây đã có chuyến thăm và làm việc tại nước CH Ăng-gô-la tươi đẹp và mến khách. Ăng-gô-la có những nét tương đồng với Việt Nam về lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước. Những tình cảm thắm thiết, chí tình của nhân dân và Đảng Phong trào nhân dân giải phóng Ăng-gô-la (MPLA) cầm quyền dành cho Đoàn đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi chúng tôi.Đất nước Ăng-gô-la nằm ở phía tây-nam châu Phi, có diện tích rộng 1.246.700 km2, dân số gần 19 triệu người, ngôn ngữ chính là tiếng Bồ Đào Nha, tôn giáo bản địa chiếm 47%, Thiên chúa giáo 38%, Tin lành 15%, Thủ đô là TP Lu-an-đa. Ăng-gô-la được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm không có bão lụt. Với bờ biển dài gần 1.600 km, Ăng-gô-la được thiên nhiên ban tặng những nguồn lợi lớn từ biển. Trải dài theo chiều dọc bắc-nam đất nước là đồng bằng, cao nguyên và rừng núi rộng hàng chục...
|
Đất nước Ăng-gô-la nằm ở phía tây-nam châu Phi, có diện tích rộng 1.246.700 km2, dân số gần 19 triệu người, ngôn ngữ chính là tiếng Bồ Đào Nha, tôn giáo bản địa chiếm 47%, Thiên chúa giáo 38%, Tin lành 15%, Thủ đô là TP Lu-an-đa. Ăng-gô-la được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm không có bão lụt. Với bờ biển dài gần 1.600 km, Ăng-gô-la được thiên nhiên ban tặng những nguồn lợi lớn từ biển. Trải dài theo chiều dọc bắc-nam đất nước là đồng bằng, cao nguyên và rừng núi rộng hàng chục triệu ha, phía đông là đồng bằng thuận tiện cho việc trồng lúa nước và cây lương thực khác. Ăng-gô-la có nhiều tài nguyên khoáng sản như dầu lửa với sản lượng khai thác hai triệu thùng/ngày, kim cương (đứng thứ năm thế giới), vàng, sắt, đồng, u-ra-ni, bô-xít, phốt-phát, kẽm, chì, khoáng chất…
Nhân dân Ăng-gô-la đã tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc và giành độc lập dân tộc từ tay thực dân Bồ Đào Nha vào năm 1975. Sau khi giành độc lập, Ăng-gô-la lại rơi vào thời kỳ nội chiến kéo dài 27 năm. Trải qua hàng chục năm chiến tranh và nội chiến, đất nước Ăng-gô-la bị tàn phá nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của MPLA, nhân dân Ăng-gô-la đã nỗ lực tiến hành quá trình xây dựng lại đất nước, duy trì hòa bình, hòa hợp dân tộc, khôi phục và phát triển sản xuất, cải cách kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù thời gian xây dựng trong hòa bình chưa tròn mười năm, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng MPLA cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Chính phủ và toàn dân, Ăng-gô-la đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ như duy trì được môi trường hòa bình, hòa hợp dân tộc, chính trị – xã hội ổn định, kinh tế được phục hồi và phát triển nhanh. Trong nhiều năm gần đây, GDP của Ăng-gô-la đạt mức tăng bình quân hằng năm hai con số. Vị thế của Đảng MPLA cầm quyền được củng cố vững chắc (nắm bộ máy hành pháp và đa số tuyệt đối ở QH).
Quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với Ăng-gô-la đã có từ lâu. Đảng ta có quan hệ với Đảng MPLA từ thời kỳ hai nước còn đang tiến hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hai bên đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau và cùng giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Từ năm 1975 đến nay, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp cao thăm lẫn nhau, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Giới thiệu về thành tựu xây dựng đất nước và phát triển kinh tế trong những năm hòa bình vừa qua, đồng chí An Phrét-đô Giu-vi-ô, Bí thư T.Ư Đảng, phụ trách công tác Dân vận và Tổ chức Đảng MPLA cho chúng tôi biết, sau chiến tranh, Ăng-gô-la bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 2002. Dưới sự lãnh đạo của MPLA, kinh tế đất nước có sự phục hồi mạnh, đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 23,9% trong năm 2007 và 13,8% trong năm 2008. Nhìn chung tình hình kinh tế đã bước vào thời kỳ ổn định, tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo. Hiện bình quân thu nhập đầu người ở Ăng-gô-la đạt gần 9.000 USD/năm.
Đề cập vai trò của Đảng MPLA hiện nay ở Ăng-gô-la, đồng chí An Phrét-đô Giu-vi-ô cho biết, với vị thế là người lãnh đạo đất nước, Đảng MPLA hiện có năm triệu đảng viên sinh hoạt ở 41 nghìn tổ chức cơ sở đảng. Để không ngừng củng cố vị thế cũng như uy tín của Đảng trong các tầng lớp nhân dân, Đảng MPLA đề ra phương châm hay có thể gọi là quan điểm trong vấn đề xây dựng Đảng là “Đảng ở giữa lòng dân”. Thực hiện phương châm này, MPLA không thành lập tổ chức chi bộ ở nơi làm việc mà tất cả đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ ở nơi cư trú. Hình thức tổ chức sinh hoạt chi bộ này giúp đảng viên làm việc ở các cơ quan nhà nước có điều kiện tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nhân dân, đồng thời các đảng viên ở các doanh nghiệp có điều kiện giúp đỡ, tài trợ cho các hộ nghèo… Đảng MPLA nắm và quản lý các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ. Đối với vấn đề dân tộc, Đảng và Nhà nước đề cao và coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nước đã có bộ luật riêng về vấn đề này. Nhà nước chỉ đạo việc biên soạn lịch sử văn hóa dân tộc, lịch sử chuyên đề giáo dục lòng yêu nước của nhân dân, chống các luận điệu thực dân chia rẽ, miệt thị dân tộc… Do làm tốt công tác dân vận, nên uy tín của Đảng MPLA trong nhân dân rất cao, 82% số thành viên chính phủ là người của Đảng MPLA. Hiện nay, toàn Đảng đang hướng về sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của Ăng-gô-la: Đó là cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào năm 2012. Đảng MPLA đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhằm giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc bầu cử này.
Về vấn đề tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đồng chí An Phrét-đô Giu-vi-ô nêu rõ, Đảng MPLA rất quan tâm, mong muốn tăng cường trao đổi và học tập kinh nghiệm của Đảng CS Việt Nam trong việc lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm mục đích này, Chính phủ Ăng-gô-la đang xúc tiến việc thành lập Đại sứ quán Ăng-gô-la tại Việt Nam. Phía Ăng-gô-la luôn đánh giá cao về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng và hai nước. Trong đó, Ăng-gô-la đánh giá cao sự nhiệt tình, tài năng chuyên môn của các chuyên gia y tế và giáo dục Việt Nam, mong muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, khai thác dầu… Phía Ăng-gô-la cũng đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở Ăng-gô-la trong việc tham gia và có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Hiện cộng đồng người Việt Nam ở Ăng-gô-la có hơn mười nghìn người, được coi là cộng đồng sống hòa thuận, tuân thủ luật pháp nước sở tại, làm ăn chăm chỉ, không gây ra những vụ việc phức tạp. Hiện ở Thủ đô Lu-an-đa, một số người Việt Nam ở Ăng-gô-la lâu năm, thông thạo phong tục tập quán, có trình độ, biết tiếng Bồ Đào Nha đã mở các cửa hiệu kinh doanh, buôn bán hàng hóa, quần áo, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, cửa hàng ảnh… hình thành khu chợ Xao-pao-lô (người Việt Nam thường gọi là chợ Đồng Xuân) làm ăn khá phát đạt.
Rời đất nước Ăng-gô-la tươi đẹp và mến khách, trong lòng mỗi chúng tôi vẫn còn tràn đầy những tình cảm chí tình và nồng ấm mà nhân dân Ăng-gô-la và Đảng MPLA dành cho các thành viên trong đoàn. Chúng tôi xúc động nhớ lại lời tâm sự của đồng chí An Phrét-đô Giu-vi-ô rằng, nhân dân Ăng-gô-la và Đảng MPLA rất ngưỡng mộ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Trên cơ sở quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai đảng và hai nước, Đảng MPLA và Chính phủ Ăng-gô-la mong muốn phía Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ song phương về kinh tế. Ăng-gô-la mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo, tiếp tục giúp đỡ chuyên gia về giáo dục và y tế. Ăng-gô-la sẵn sàng dành mọi ưu đãi tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Ăng-gô-la, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, trồng cao-su, khai thác gỗ, dầu khí, xây dựng, đường giao thông…
Theo Nhandan
Ý kiến ()