Mourinho và mối thâm thù Barca: Vì đâu nên nỗi ?
5 thẻ đỏ, đó là tất cả những gì mà các đội bóng của Mourinho dẫn dắt đã phải nhận khi đối đầu với Barcelona. Tại sao “Người đặc biệt” luôn đá rắn như vậy mỗi khi gặp đội bóng xứ Catalan? Tại sao chưa ra thi đấu, ông đã mạnh miệng tuyên bố là sẽ luyện chiêu độc “10 chống 11”?
Tất cả đều chỉ có thể dẫn đến một đáp án là Mourinho ghét cay ghét đắng Barcelona. Nghe qua thì có vẻ lạ, bởi Blaugrana là một trong những câu lạc bộ được yêu thích nhất trên toàn thế giới và Messi cùng các đồng đội luôn mang lại những trận cầu mãn nhãn mỗi khi ra sân. Vậy thì mối thâm thù giữa Mou và Barca đến từ đâu?
1. Ai cũng biết Mourinho khởi nghiệp huấn luyện viên của ông bắt đầu từ việc làm trợ lý cho Bobby Robson. 4 năm sống ở Catalan đã cho vị tướng trẻ tuổi này rất nhiều kinh nghiệm về trận mạc cũng như bản lĩnh thi đấu. Và nếu suy nghĩ theo hướng đó thì lẽ ra Mou phải biết ơn Barca mới đúng chứ?
Mourinho chưa khi nào coi trọng những năm tháng làm việc với Bobby Robson |
Tuy nhiên đó là suy nghĩ theo lối thông thường, còn với một người đặc biệt như Mourinho thì chúng ta cần phải có cách tiếp cận khác. Để ý một chút chúng ta có thể thấy rằng sau khi đưa Porto rồi Inter lên đến đỉnh cao, Mou đều lặng lẽ rút lui khỏi vị trí mà ông từng mô tả là chỉ đứng thứ hai sau Chúa. Đó có thể là do “Người đặc biệt” ưa thích sự dịch chuyển, có thể do hết động lực chiến đấu, nhưng cũng có thể là do sợ phải đối diện với quá khứ.
Quá khứ ấy là cái ngưỡng, là giới hạn không thể vượt qua. Porto còn cần gì thêm nữa khi đã đoạt Champions League chỉ 1 mùa sau khi giành Europa League? Inter còn muốn gì hơn đây khi trở lại thành số một châu Âu sau gần nửa thế kỷ đợi chờ? Sau đỉnh cao là vực sâu và trong vinh quang đều đã có mầm mống của sự sụp đổ. Mourinho đã rất khôn ngoan khi trốn chạy khỏi những quy luật tự nhiên ấy. Ông không bao giờ coi quá khứ là động lực để phấn đấu, mà đơn giản chỉ coi đó là thứ phải lánh xa, phải tránh nhắc lại bất cứ khi nào.
Thành công mà còn như vậy thì nói gì đến những năm tháng không kèn không trống ở Nou Camp. Mourinho lúc đó chỉ được coi là một “tên phiên dịch”, chứ chẳng ai nhớ đến một người sau này sẽ khuynh đảo cả thế giới bóng đá. Những bài học vỡ lòng ở xứ bò tót vì thế đáng phải ném vào sọt rác, và Barcelona phải nếm trải những đau đớn, những tủi nhục mà Mou đã từng chịu. Đó là quá khứ của ông, một quá khứ mà chưa khi nào ông tôn thờ.
Ông sẵn sàng phát cuồng mỗi khi đội bóng của mình vượt qua Barca |
2.Nhưng Mourinho ghét Barca đâu chỉ vì ông không tôn sùng quá khứ. Với một người nổi tiếng là kỷ luật thép như Mou thì không bao giờ có khái niệm “ngẫu hứng” trong từ điển. Ông chỉ tập trung vào chiến thuật và chiến thắng, còn không bao giờ để ý xem đội bóng của mình thi đấu như thế nào để làm được điều đó.
Từng nhớ trận chung kết Champions League năm ngoái, Mou đã nói về Bayern như này: “Với sơ đồ 4-3-3, Van Gaal vẽ ra những tam giác nối tiếp nhau và mỗi cầu thủ nằm trong khả năng của 7 đường liên kết với 2 khả năng chuyền bóng cụ thể. Nhưng nếu chuyển sang đá kiểu 4 tiền vệ hàng ngang thì chỉ còn 6 đường liên kết và 1 khả năng chuyền bóng”. Những lời phát biểu kiểu như đọc khẩu quyết này càng chứng tỏ nhà cầm quân 48 tuổi quan trọng tính tổ chức đến như thế nào.
Đáng tiếc là trên thế giới lại có một đội bóng nằm ngoài những suy luận ấy, đó là Barcelona. Đội bóng của Pep Guardiola luôn đề cao cái đẹp trong thi đấu. Giống như Johan Cruyff đã từng nói đại ý rằng khi một cầu thủ cầm bóng có nghĩa là anh ta tồn tại, Pep luôn chỉ đạo các học trò làm “hoa mắt chóng mặt” đối phương rồi mới tung ra nhát kiếm quyết định. Những phương án triển khai bóng theo chiều ngang sân của Xavi, Iniesta rõ ràng là chẳng có mục đích rõ ràng gì nếu đặt trong sơ đồ của Mourinho. Đặt lối chơi hoa mỹ của đội bóng xứ Catalan cạnh những toan tính của Mourinho, không có những tiếng cãi nhau chan chát mới là lạ.
Nhưng trên hết ông luôn muốn mình là số 1 |
3.Buồn cho Mourinho là Barcelona đã và đang thành công với sự lựa chọn của mình. Tiếp nối Ronaldinho đã có Messi, kế thừa chức vô địch năm 2006 đã có khoảnh khắc vàng năm 2009, và dù không có một giải thưởng chính thức nào nhưng Barca luôn được giới mộ điệu công nhận là đội bóng số 1 thế giới.
Điều ấy chẳng khác nào làm Mou tức điên lên, bởi từ khi nổi danh ở Bồ Đào Nha đến giờ, chưa khi nào ông tự hạ mình xuống vị trí thứ hai cả. Một huấn luyện viên giỏi nhất lại không thể giúp đội bóng của mình trở thành số 1, thử hỏi sao vị thuyền trưởng của Real Madrid lại chẳng sôi máu mỗi khi chạm trán với cái gai trong mắt mình.
Sự ghen tị đã biến thành thù hận và hậu quả là Mou đã phải nhận tổng cộng là 5 cái thẻ đỏ trong tổng số 14 trận chạm trán cùng Barca. Nhưng dù đá cố tình “chém đinh chặt sắt” như vậy nhưng Mou vẫn phải nhận phần thiệt nhiều hơn (thua đến 6 trận và chỉ thắng được có 4).
Vậy thì rốt cuộc có cần thiết phải như vậy không Mourinho?
Ý kiến ()