Một tương lai bất định
Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tổ chức gần dịp Giáng sinh tại Anh kể từ năm 1923 sau khi Thủ tướng B.Johnson không thể thực hiện cam kết hoàn tất Brexit đúng ngày 31-10. Cuộc tổng tuyển cử này cũng là một trong những cuộc đua khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua tại Anh, khi Brexit gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội và tác động mạnh tới sự ủng hộ của người dân với hai đảng lớn nhất là Bảo thủ và Công đảng. Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử tháng 12 tới sẽ là cuộc đối đầu giữa đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng B.Johnson và Công đảng đối lập, trong khi đảng Brexit tìm cách kêu gọi lá phiếu của các cử tri ủng hộ Brexit và đảng Dân chủ Tự do tìm cách dẫn trước đảng Brexit. Với Thủ tướng B.Johnson, đây được coi là canh bạc lớn nhất mà ông buộc phải thắng để duy trì vị trí cũng như sự hưng thịnh của phe Bảo thủ. Lãnh đạo một chính phủ thiểu số và từng chứng kiến người tiền nhiệm T. Mây từ chức vì không nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội, ông Johnson được cho là sẽ đặt cả “giấc mơ Brexit” và sự nghiệp chính trị vào cuộc bầu cử lần này.
Chủ tịch đảng Brexit của Anh N.Farage cảnh báo Thủ tướng B.Johnson hoặc phải từ bỏ thỏa thuận Brexit đạt được với EU và đồng ý tham gia một “liên minh ra đi” trong cuộc bầu cử sớm vào ngày 12-12 tới, hoặc phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt tại Quốc hội. Nếu ông Johnson không đồng ý trước ngày 14-11, đảng Brexit – vốn luôn ủng hộ Anh rời EU một cách dứt khoát mà không cần thỏa thuận, sẽ là đảng duy nhất tham gia bầu cử “thật sự đại diện cho Brexit”. Người đứng đầu đảng Brexit dự báo, “liên minh ra đi” tập hợp các đảng ủng hộ Brexit sẽ chiếm thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Bảo thủ J.Cleverly cảnh báo, việc bỏ phiếu cho ông N.Farage sẽ cản trở Brexit và có thể mang lại chiến thắng cho lãnh đạo Công đảng G.Corbyn trong cuộc bầu cử sớm.
Cuối tuần qua, Thủ tướng B.Johnson cùng lãnh đạo của các đảng phái chính trị tại Anh bắt đầu triển khai chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử được cho là khó dự đoán nhất từ trước tới nay. Trong chiến dịch tranh cử của mình, đương kim Thủ tướng Anh sẽ “chĩa mũi giáo” vào kế hoạch của đối thủ đại diện Công đảng G.Corbyn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit hay về vấn đề độc lập cho vùng Scotland. Ông Johnson chỉ trích kế hoạch của ông Corbyn đe dọa tương lai quốc gia. Trong khi đó, ông Corbyn gọi cuộc tổng tuyển cử lần này là “cơ hội chỉ có một trong đời” để nước Anh thoát khỏi sự điều hành của phe bảo thủ và tái thiết đất nước với sự thay đổi thực chất.
Hiện đảng Bảo thủ vẫn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và nếu có thể duy trì phong độ thì đảng này có khả năng giành thế đa số sau cuộc bầu cử sắp tới. Các cuộc khảo sát tiến hành trong tháng 10 vừa qua đều cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền đang dẫn trước Công đảng. Tuy nhiên, các công ty tiến hành khảo sát cũng thừa nhận các mô hình dự đoán chưa phải là hoàn hảo và vẫn có xác suất sai lệch đáng kể. Giới chuyên gia cho rằng, dù Thủ tướng B.Johnson đã thuyết phục được Hạ viện Anh chấp thuận tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới, nhưng một cuộc bầu cử sớm cũng không khác gì “canh bạc” với ông Johnson do đây sẽ là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất tại Anh trong nhiều năm qua.
Giới phân tích cho rằng, khi tính đến một cuộc bầu cử sớm, ông B.Johnson hy vọng có thể giành được đủ số ghế tại Hạ viện để thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit và tại nhiệm, bởi hiện nay đảng Bảo thủ cầm quyền của ông đã mất thế đa số. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, các đảng đối lập có thể sẽ liên minh và cản trở tiến trình Brexit. Thực tế này cho thấy, với quyết định bầu cử sớm, Thủ tướng B.Johnson và đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như các chính đảng ở Anh đang cùng nhau bước vào một tương lai bất định bởi hoàn toàn phụ thuộc vào “canh bạc chính trị” nhiều rủi ro.
Theo Nhandan
Ý kiến ()