Một thời đam mê, một thời gian khó
Sở GD&ĐT gặp gỡ các giáo viên miền xuôi lên công tác tại Lạng Sơn giai đoạn 1954 -1970 |
Đã bước vào tuổi 76, cô Dương Thị Minh, xã Nhân Lý (Chi Lăng) vãn chưa thể quên những ngày đầu chập chững bước chân vào nghề. Lấy chồng là nhà giáo và chồng lại xung phong lên Lạng Sơn công tác, bà khẩn khoản xin bố mẹ chồng đi làm nghề dạy học. Nguyện vọng được đáp ứng, song cô gái vùng quê Tân Yên (Bắc Giang) lại được phân công lên tận Tuyên Quang. Với tinh thần “3 bất kỳ” (đi bất kỳ đâu, làm bất cứ việc gì và đãi ngộ như thế nào), cô chẳng hề so đo tính toán. Sau 3 năm làm việc, tổ chức cho cô về Lạng Sơn để gần chồng và cô đã gắn bó với trường cấp 1-2 Lạng Giai (nay là THCS Nhân Lý) gần 30 năm đến khi nghỉ hưu.
Từ quê lúa Thái Bình, năm 1957, theo tiếng gọi của Bác Hồ, thầy Lã Trung Dung lên vùng đất Thất Khê lịch sử. Sự thiếu thốn hiện diện trong từng bữa ăn, tấm áo mặc, viên phấn đến cái đèn dầu để soạn bài… Hòa bình lập lại đã 3 năm, nhưng trường tiểu học với hơn trăm học sinh vẫn trong những cái lớp tranh tre tạm bợ; thương trò bụng đói đi học, thương mình cơm độn khoai với măng đắng rau rừng. Đến bây giờ, đã bước vào tuổi 78, tuổi của suy tư, của ký ức, của sự cảm nhận rất rõ về thời gian, thầy vẫn không lúc nào nguôi nhớ “cái thủa ban đầu” ấy. Trò chuyện với chúng tôi, thầy lý giải: “Có chăng đó là lòng yêu nghề, yêu người, là… tuổi trẻ đầy đam mê sự cống hiến”.
Khác với cô Minh, thầy Dung, đất Lạng Sơn đối với thầy Vũ Hồng Nhật (thành phố Lạng Sơn) trước hết là sự cuốn hút tự thân với những câu ca dao: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/Ai lên Xứ Lạng cùng anh/Bõ công bác mẹ sinh thành ra em. Tuổi trẻ luôn yêu thích sự khám phá; xung phong lên dạy học ở Xứ Lạng trước hết là khám phá mảnh đất, con người Xứ Lạng. Bởi vậy, khi thầy trình quyết định phân công công tác, cán bộ phòng GD thị xã Lạng Sơn lúc đó đã dẫn thầy đi tham quan các danh lam thắng cảnh Xứ Lạng. Dần dần, mảnh đất và con người Xứ Lạng đã là một phần máu thịt cuộc đời nhà giáo của thầy. Lịch sử Trường THPT Việt Bắc và Trường THPT Chu Văn An ghi nhận công lao của 2 người thầy quê ở Hà Nội: thầy Phan Lạc Tước và thầy Nguyễn Quý Bảo. Hơn 20 tuổi, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vùng đất thủ đô ngàn năm văn hiến mở rộng cửa chào đón những sinh viên xuất sắc này. Thời thanh niên sôi nổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ, năm 1962, từ bỏ phố phường đông đúc để lên miền biên ải xa xôi…, các thầy thắp lên ngọn lửa tri thức, của tinh thần hiếu học ở thanh niên Lạng Sơn. Gần nửa thế kỷ công tác, các thầy đã dạy dỗ hàng ngàn học sinh có chất lượng cao, trong đó có rất nhiều học sinh trở thành giáo sư, tiến sĩ, những nhà khoa học, những cán bộ của các ngành trung ương, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Có người cho rằng, với tài năng của mình, các thầy hoàn toàn có công việc tốt ở Hà Nội, vì vậy, lên Lạng Sơn là một quyết định dũng cảm, thầy Phan Lạc Tước nói: “Hồi ấy, cả thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc của Pavel Korchagin- nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky với câu nói: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi ân hận xót xa vì những năm tháng đã sống hoài sống phí… để khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…”. Đối với tôi, “sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời” là mang ánh sáng tri thức đến cho các em học sinh miền núi. Cống hiến cho Lạng Sơn cả một thời tuổi trẻ. Nhưng đất không phụ người, chúng tôi cũng nhận ở Lạng Sơn rất nhiều: bạn bè, anh em quý mến, học sinh nể phục, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt… Đối với chúng tôi, Lạng Sơn là máu thịt, gắn bó trọn đời chưa dễ trả ơn sâu.”
Nếu thầy Tước, thầy Bảo đã tốt nghiệp đại học ở một trường danh tiếng đất thủ đô và gắn cả cuộc đời với những trường lớn ở thành phố, thì thầy Tạ Quang Minh (quê ở Yên Dũng- Bắc Giang) chỉ được đào tạo cấp tốc 6 tháng, làm công việc “sáng dạy lớp vỡ lòng với những học sinh 13-14 tuổi, tối dạy thanh niên”, mấy chục năm trời vẫn âm thầm đi về trên “con đường mòn lòng máng” vùng đất đỏ Hòa Thắng (Hữu Lũng).
Không thể kể hết được những thầy cô giáo miền xuôi đã cống hiến tuổi xuân, sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục của Lạng Sơn và ở lại với Lạng Sơn. Hơn nửa thế kỷ, Lạng Sơn từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, dân trí thấp trở thành một tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, có công lao của các thầy cô. Đã ở “sân ga cuối” trong hành trình cuộc sống, nhìn lại chặng đường đã qua, các thầy cô tràn đầy lòng tự hào và niềm vui. Vui vì mình là những đốm lửa nhỏ tập trung lại thành bó đuốc lớn soi đường cho sự học Xứ Lạng. Vui vì mình đã góp phần tạo nền móng để Lạng Sơn có được “ngôi nhà tri thức” vững chãi; các thế hệ giáo viên người địa phương đã tự đứng vững trên đôi chân của họ và bước tiếp trên con đường phát triển nhân lực, đào tạo nhân tài cho vùng đất Xứ Lạng.
Ý kiến ()