Một thắng lợi ngoại giao của Pa-le-xtin
Với 107 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của LHQ (UNESCO) đã chính thức phê chuẩn Pa-le-xtin trở thành thành viên đầy đủ thứ 195 của tổ chức này. Đây là thắng lợi quan trọng, niềm khích lệ lớn đối với người Pa-le-xtin trên con đường thành lập Nhà nước Pa-le-xtin độc lập, một thành viên LHQ.Cuộc bỏ phiếu tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng UNESCO diễn ra ở Pa-ri (Pháp) lần này được đánh giá là "cuộc bỏ phiếu lịch sử", bởi UNESCO trở thành cơ quan đầu tiên của LHQ công nhận Pa-le-xtin là thành viên đầy đủ. Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu lần này nhận được sự ủng hộ của Pháp, quốc gia trước đó đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng. Các nước A-rập, châu Phi, Mỹ la-tinh, nhiều quốc gia châu Á, các thành viên thuộc nhóm BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi) đã bỏ phiếu ủng hộ khát vọng chính đáng của Pa-le-xtin.Thực hiện quyết tâm và ý chí bền bỉ độc lập dân tộc của Pa-le-xtin, Tổng thống M.Áp-bát ngày 23-9...
Cuộc bỏ phiếu tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng UNESCO diễn ra ở Pa-ri (Pháp) lần này được đánh giá là “cuộc bỏ phiếu lịch sử”, bởi UNESCO trở thành cơ quan đầu tiên của LHQ công nhận Pa-le-xtin là thành viên đầy đủ. Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu lần này nhận được sự ủng hộ của Pháp, quốc gia trước đó đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng. Các nước A-rập, châu Phi, Mỹ la-tinh, nhiều quốc gia châu Á, các thành viên thuộc nhóm BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi) đã bỏ phiếu ủng hộ khát vọng chính đáng của Pa-le-xtin.
Thực hiện quyết tâm và ý chí bền bỉ độc lập dân tộc của Pa-le-xtin, Tổng thống M.Áp-bát ngày 23-9 vừa qua đệ đơn của Pa-le-xtin xin làm thành viên chính thức của LHQ và Hội đồng Bảo an (HĐBA). LHQ dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này vào ngày 11-11 tới. Quyết định của Đại hội đồng UNESCO là một thắng lợi lớn trong nỗ lực đạt mục tiêu thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Bộ trưởng Ngoại giao Pa-le-xtin R.An Man-ki khẳng định, thắng lợi này là khởi nguồn của một chặng đường dẫn tới tự do cho đất nước và nhân dân Pa-le-xtin, là thời khắc lịch sử trả lại cho người Pa-le-xtin các quyền cơ bản của mình.
Tuy nhiên, con đường tới mục tiêu đó của nhân dân Pa-le-xtin còn nhiều trở ngại. Việc Pa-le-xtin “được” gia nhập đại gia đình UNESCO đã gây những phản ứng trái chiều. Đa số các thành viên UNESCO nhiệt liệt chúc mừng Pa-le-xtin trong tiếng vỗ tay vang dội và cho rằng, đây là quyết định cho hòa bình, bản sắc, văn hóa, di sản. Tuy nhiên, bên cạnh các nước châu Âu, trong đó có Pháp, bỏ phiếu ủng hộ, nhiều nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) khác đã bỏ phiếu trắng và phiếu chống. Bà U.Pla-xních, Đại sứ Áo, nước đã bỏ phiếu ủng hộ Pa-le-xtin tại UNESCO, bày tỏ lấy làm tiếc rằng, EU đã không có một quyết định chung trong việc thừa nhận Pa-le-xtin làm thành viên đầy đủ. Quyết định của UNESCO vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ và I-xra-en. Người phát ngôn Nhà trắng G.Các-ni cho rằng, đây là quyết định “nóng vội” và sẽ làm suy yếu mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế về một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Trung Đông. Đại sứ Mỹ tại LHQ X.Rai-xơ coi việc trao cho Pa-le-xtin tư cách thành viên đầy đủ của UNESCO “làm tổn hại sâu sắc” tới tổ chức này. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ rút khoản ngân sách dành cho các hoạt động của UNESCO hằng năm trị giá 80 triệu USD (chiếm 22%). Bộ Ngoại giao I-xra-en tuyên bố, đây là hành động đơn phương của Pa-le-xtin, “gây tổn hại triển vọng khôi phục cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông”.
Mặc dù Pa-le-xtin luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ I-xra-en và Mỹ đối với nỗ lực xin gia nhập LHQ, nhưng người dân ở vùng đất khói lửa này không lùi bước, quyết đẩy tới cuộc đấu tranh chính nghĩa giành các quyền tự quyết và khát vọng được thành lập một nhà nước độc lập. Việc UNESCO bỏ phiếu phê chuẩn Pa-le-xtin trở thành thành viên đầy đủ là bước đi mang tính biểu tượng quan trọng, một thắng lợi ngoại giao của Pa-le-xtin. Việc Mỹ có thể sẽ dùng quyền phủ quyết khi vấn đề Pa-le-xtin xin gia nhập LHQ được đưa ra bỏ phiếu tại HĐBA có thể gây thêm trở ngại, nhưng chắc chắn không thể ngăn cản khát vọng cháy bỏng của người dân Pa-le-xtin về một nhà nước độc lập, có chủ quyền.
Theo Nhandan
Ý kiến ()