Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay
TÔ HUY RỨA Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ðảng ta luôn chú trọng chiến lược phát triển con người nói chung; phát triển nguồn nhân lực nói riêng, trong đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) là một trong ba đột phá chiến lược nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020. Chủ trương này tiếp tục được làm rõ, cụ thể hóa và sâu sắc hơn trong các Nghị quyết quan trọng của các Hội nghị Trung ương nhiệm kỳ Ðại hội XI. Bài viết sẽ tập trung phân tích những nội dung mới, căn cốt và đề xuất giải pháp nhằm phát triển NNLCLC đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
1. Nguồn nhân lực chất lượng cao – nhân tố quyết định thành công trong cạnh tranh, hội nhập và phát triển
Mỗi quốc gia để phát triển bao giờ cũng phải có các nguồn lực cho sự phát triển. Trong bất kỳ hình thái kinh tế xã hội nào, trình độ và tính chất phát triển ra sao thì các nguồn lực cho sự phát triển vẫn là tư liệu sản xuất (đất đai, tài nguyên, máy móc thiết bị, công nghệ, tài chính…) và sức lao động (nguồn nhân lực và rộng ra là nguồn vốn con người, vốn xã hội, vốn thể chế…). Trong đó, sức lao động – nguồn nhân lực – con người là yếu tố động nhất, nguồn gốc của mọi của cải vật chất và sức sáng tạo ra các nền văn minh. Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, sự thành bại của các quốc gia không thể là quá trình lịch sử tự nhiên, tuần tự nhi tiến, mà là một quá trình liên tục kế tiếp nhau của năng lực sáng tạo mang tính cách mạng của nhân loại qua các khúc quanh lịch sử. Một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, rất thuận lợi cho sự phát triển, nhưng chưa hẳn là quốc gia giàu có. Trong khi đó, Nhật Bản gần như không có tài nguyên gì đáng kể, đã tạo nên một “thần kỳ Nhật Bản” với mô thức “truyền thống Nhật Bản cộng với kỹ thuật phương Tây” được cả thế giới ngưỡng phục. Cũng tương tự như vậy, với việc chú trọng phát triển giáo dục – đào tạo, nhất là ở bậc tiểu học; đẩy mạnh xuất khẩu và bảo đảm tiết kiệm quốc gia luôn ở mức trên 35% GDP; thực hiện phương thức “chính phủ cứng và thị trường mềm”, Hàn Quốc – một quốc gia nghèo tài nguyên, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ sau chưa đầy 30 năm, đã làm nên một “kỳ tích sông Hàn”, đưa một nước nghèo trở thành thành viên thứ 25 của OECD – Câu lạc bộ các quốc gia giàu có của thế giới. Một quốc gia giàu về truyền thống văn hóa thường rất nhiều tiềm năng cho sự phát triển, nhất là ở các giá trị tinh thần và chuẩn mực xã hội tạo dựng nên năng lực nội sinh cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển hóa các giá trị văn hóa thành các tiền đề phát triển để các quốc gia giàu về truyền thống văn hóa phát triển thành các quốc gia thịnh vượng lại tùy thuộc rất đáng kể vào sức mạnh sáng tạo và tư duy đổi mới của con người ở các thế hệ tiếp sau. Trên thực tế, không phải quốc gia nào có các nền văn minh cổ đại rực rỡ cũng trở thành các quốc gia giàu có. Vùng Trung Mỹ rất tự hào với nền “văn minh Maia” nhưng sự giàu có của châu lục này lại thuộc về Bắc Mỹ – vùng “đất mới”, nơi hội tụ và lan tỏa của trí tuệ con người được khởi nguồn từ văn minh công nghiệp châu Âu. Rõ ràng, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa rất quan trọng cho sự phát triển, nhưng quan trọng và quyết định nhất lại là tài nguyên con người, sự kết tinh của văn hóa và sức sáng tạo vô tận của nguồn lực con người. Nhà tương lai học Mỹ Ây-vin Tô-phơ (Avill Toffer) đã nhận định rất đúng rằng “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất, chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi, mà còn lớn lên”. Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới với nhiều nguyên nhân khác nhau, song điều không ai có thể phủ nhận đây là nơi đã thai sinh ra khoảng hai phần ba số lượng các nhà khoa học được nhận giải thưởng Nô-ben (Nobel) danh giá từ trước đến nay, với các nhà kinh tế học nổi tiếng như P.Cru-gmen, G.Xtiếc-lít (P.Krugman, J. Stiliz,…) những người luôn đưa ra những tư tưởng khoa học – công nghệ, tư duy phát triển “vượt trước” nhân loại. Một thí dụ khác, Xin-ga-po (Singapore) trở thành một trong “bốn con hổ Ðông Á”, là đầu mối trung chuyển thương mại và dịch vụ của thế giới bởi họ luôn chú trọng xây dựng quốc đảo này thành “hòn đảo trí tuệ”, nhấn mạnh vai trò quyết định của chất lượng nguồn nhân lực với “nhân tài là men ủ cho sự trỗi dậy của đất nước”. Cũng tương tự như vậy, bằng đột phá từ công nghệ thông tin – một ngành công nghiệp mới luôn gắn với đổi mới và sáng tạo của con người, Ma-lai-xi-a đã tiên phong xây dựng “hành lang đa phương tiện” nhằm biến quốc gia này thành “đầu mối” nối mạng của cả khu vực và toàn cầu.
Từ những dẫn dụ trên đây, có thể khẳng định rằng, nguồn lực con người, vốn con người là hết sức quan trọng trong chiến lược và chính sách phát triển của mọi quốc gia. Theo Liên hợp quốc thì “nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước”. Ngân hàng thế giới cũng cho rằng “nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người, bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp của mỗi cá nhân”. Như vậy, con người là tài nguyên đặc biệt và nguồn nhân lực là tổng hòa thể lực và trí lực của lực lượng lao động toàn xã hội. Nguồn nhân lực ấy kết tinh truyền thống, kinh nghiệm, trí tuệ của mỗi dân tộc và tinh hoa tri thức nhân loại được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai của mọi quốc gia.
Ðiều này càng hoàn toàn đúng và trở thành quan trọng hơn trong thời đại ngày nay, khi khoa học và công nghệ đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, kinh tế tri thức ngày càng chiếm ưu thế trong phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia – dân tộc; khi lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã không còn dựa trên con số cộng của các yếu tố cấu thành đầu vào như: đất đai, khai thác tài nguyên, lao động rẻ, nhiều vốn tài chính, mà là dựa trên công nghệ, tri thức, tư duy đổi mới và năng lực sáng tạo của chính con người. Nguồn nhân lực, nguồn vốn con người, theo đó, đang ngày càng được xác định là yếu tố trung tâm trong hệ thống các nguồn lực phát triển, nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác. Và điều quan trọng hơn, ngày nay, nguồn nhân lực được mọi quốc gia quan tâm tới không phải là nguồn nhân lực nói chung, mà là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðó là những người lao động có kỹ năng, các nhà kinh doanh năng động và tài ba, các nhà quản lý giỏi, các nhà khoa học và công nghệ xuất sắc, các nhà lãnh đạo chính trị có tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới vượt trội. Do đó, cũng có thể nói, nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tài của các quốc gia, nhân tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của mọi nền kinh tế; quyết định vận mệnh của các dân tộc và tương lai phát triển của nhân loại.
Kinh nghiệm của thế giới về phát triển NNLCLC rất phong phú và sinh động. Hầu hết các quốc gia phát triển, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển không rơi vào bẫy thu nhập trung bình đều có chung một đặc điểm phổ biến là, vừa chăm lo phát triển giáo dục – đào tạo, lấy xây dựng “xã hội học tập” và thực hiện “chế độ học tập suốt đời” làm phương châm; vừa rất chú trọng đến việc trọng dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài, kể cả việc thu hút nhân tài từ bên ngoài, trong đó hình thành và phát huy “thương hiệu quốc gia” – nơi hội tụ của những tài năng, đã được vận hành rất hiệu quả. Xin-ga-po chủ trương cấp học bổng Tổng thống để đào tạo các cá nhân xuất sắc; có chính sách trả lương xứng đáng, linh hoạt, liên tục điều chỉnh và bảo đảm tính cạnh tranh cho lãnh đạo và viên chức khu vực công so với khu vực tư nhân; mạnh dạn và tin tưởng giao trọng trách cho những người trẻ tuổi dựa trên năng lực của họ (bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ trẻ theo cơ chế “kép”: phân công cán bộ trẻ xuất sắc quản lý một lĩnh vực chuyên môn vừa tầm và sau vài năm, sẽ thuyên chuyển sang vị trí quản lý cao cấp, điều hành mang tính vĩ mô và được hưởng lương cao đặc biệt); quản lý và kiểm soát chặt chẽ thu nhập của đội ngũ công chức (để đội ngũ công chức thực hiện 4 “không” một cách tự giác là “không được”, “không thể”, “không muốn” và “không dám” tham nhũng); mạnh dạn thay thế những cá nhân lỗi nhịp trong bộ máy công quyền). Bằng chính sách trọng dụng NNLCLC như một thương hiệu quốc gia, Xin-ga-po “vượt trước” khu vực, tạo được động lực kéo nhân tài đến và giữ người ở lại phục vụ cho sự nghiệp phát triển lâu dài của đất nước. Cũng tương tự như vậy, Hàn Quốc làm nên kỳ tích sông Hàn trước đây, đi đầu trong tái cấu trúc và thúc đẩy tăng trưởng xanh hiện nay chính là nhờ ở chính sách phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thị trường lao động linh hoạt và hiệu quả dựa trên việc nâng cao năng suất tổng các nhân tố, thu hút và trọng dụng nhân tài. Họ chú trọng cơ chế mở, minh bạch trong chọn người và dùng người, xây dựng một quy trình “tìm cán bộ giỏi từ mọi nguồn”, “đánh giá định lượng và quản lý định lượng theo kết quả về chất lượng hoạt động của các tổ chức và cá nhân”, “thực hành tuyển chọn công khai” trên phương tiện thông tin đại chúng và luôn rộng mở cơ hội tham gia cho các ứng viên từ mọi nguồn. Bằng một quy trình như vậy, Hàn Quốc đang thể hiện một tầm nhìn chiến lược về tư duy lại phát triển, lấy nguồn nhân lực chất lượng cao làm đột phá để sớm trở thành một trong bảy cường quốc khoa học công nghệ hàng đầu thế giới vào năm 2025.
Rõ ràng, đầu tư cho giáo dục đào tạo, cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, về thực chất, là đầu tư cho phát triển; và chăm lo cho sự phát triển toàn diện của con người chính là chăm lo cho phát triển bền vững của các quốc gia, là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất sự phồn vinh, hạnh phúc và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc.
Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực đối với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), Ðảng ta đã đề ra quan điểm: “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”(1), và “nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(2). Ðồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa quyết định của nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và lợi thế cạnh tranh quốc tế đã thuộc về công nghệ, tri thức, lao động có kỹ năng…, tại Ðại hội X, Ðảng ta đã đề ra chủ trương “Ðổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển NNLCLC… chấn hưng nền giáo dục Việt Nam”(3). Và, để thực hiện thắng lợi công cuộc đẩy mạnh CNH, HÐH gắn với kinh tế tri thức phải phát triển NNLCLC, tức là chuyển hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực từ theo chiều rộng sang chiều sâu, Ðảng ta chủ trương phải đặc biệt coi trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo tinh thần của Ðại hội X, Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã ban hành Nghị quyết 27 (2009) về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định rõ vai trò căn bản, động lực của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là xây dựng đội ngũ trí thức. Ðảng ta nhấn mạnh: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”(4).
Tại Ðại hội XI của Ðảng, xuất phát từ yêu cầu thực hiện mục tiêu tổng quát là “đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Ðảng ta đã xác định ba khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ; và phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là NNLCLC, trong đó phát triển và nâng cao chất lượng NNLCLC được xác định là “yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”(5). Khâu đột phá này chính là bước ngoặt quan trọng nhằm tập trung nâng cao sức mạnh nội sinh: tri thức – trí tuệ của dân tộc Việt Nam để thích ứng và đột phá phát triển trong một thế giới năng động, của thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão; và chỉ có như vậy, nền kinh tế nước ta mới có được sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả, có chất lượng và bền vững; mới có thể thoát ra khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu và sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Với tư duy và quan điểm toàn diện về phát triển NNLCLC, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, Ðảng ta đã đặc biệt chú trọng đến phát triển đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý, nhất là đội ngũ lãnh đạo cán bộ cấp chiến lược. Ðây là điểm mới trong việc triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, cùng với chủ trương ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Ðảng ta đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, nhấn mạnh việc nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên là lãnh đạo các cấp ủy đảng. Tiếp tục quán triệt định hướng này về công tác cán bộ, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 24 về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ðảng ta xác định phải đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đồng thời với việc đổi mới đồng bộ các khâu khác trong công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ; tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân….; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể. Ðồng thời với việc chuẩn bị đường lối chính trị, phải chuẩn bị đường lối tổ chức và chiến lược cán bộ. Ðường lối nào thì cán bộ ấy. Ðường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị.(6)
Như vậy, từ tư tưởng chỉ đạo “con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển” đến việc xác định vai trò đột phá chiến lược của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tư duy về phát triển của Ðảng ta đã có một bước tiến mới, xuất phát từ chủ thể sáng tạo của con người, từ mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân và vai trò của các cá nhân trong lịch sử, đã nhìn rõ hơn vai trò hạt nhân của nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, của đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược nói riêng – những người cần phải có lý tưởng cao đẹp vì dân tộc, đạo đức trong sáng vì con người; có tầm nhìn chiến lược và năng lực hành động xuất sắc, luôn gương mẫu tiên phong, liên tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Ðây cũng là bước tiến quan trọng để “Ðảng ta thực sự là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, để Ðảng luôn được nhân dân coi là “Ðảng ta”, góp phần củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Ðảng.
(Còn nữa)
(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Các nghị quyết của Trung ương Ðảng 1996-1999, Nxb CTQG, H.2000, tr.85.
(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H.1996, tr.21.
(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG,
Hà Nội.
(4) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.91.
(5) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.130.
(6) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận 24 của Bộ Chính trị.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()