Một số vấn đề mới nổi lên của kinh tế thế giới năm 2011 và những tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam
Sản xuất gạch lát nền tại Nhà máy gạch Tiêu Giao,Công ty CP Viglacera Hạ Long. Chưa thoát khỏi hoàn toàn những khó khăn do tác động khủng hoảng, suy thoái từ những năm trước để lại, kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay dần bước vào giai đoạn suy giảm tăng trưởng kèm theo lạm phát cao và khủng hoảng nợ công, với những diễn biến mới nổi lên hết sức phức tạp.Những khó khăn này đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trong nước và công tác điều hành vĩ mô, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay và những vấn đề mới nổi lênKinh tế thế giới phục hồi dần chậm lại từ đầu năm 2011 đến nay và theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới thì đang ở trong tình trạng khó khăn không kém năm 2008. Hầu hết các đầu tàu kinh tế thế giới đều gặp khó khăn: kinh...
|
Những khó khăn này đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế – xã hội, an ninh trật tự trong nước và công tác điều hành vĩ mô, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay và những vấn đề mới nổi lên
Kinh tế thế giới phục hồi dần chậm lại từ đầu năm 2011 đến nay và theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới thì đang ở trong tình trạng khó khăn không kém năm 2008. Hầu hết các đầu tàu kinh tế thế giới đều gặp khó khăn: kinh tế Mỹ suy giảm tăng trưởng; kinh tế Nhật Bản vẫn trong tình trạng giảm phát kéo dài; tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu đình trệ do khủng hoảng nợ; các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại. Những khó khăn này lại bị cộng hưởng từ những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông và các thảm họa thiên tai trên thế giới. Một số biến động thời gian qua có diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí chưa có tiền lệ như:
Khủng hoảng nợ công đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, nghiêm trọng nhất là ở châu Âu với hàng loạt các nước luôn trong vòng báo động có thể vỡ nợ, có nguy cơ gây ra đổ vỡ Khối đồng tiền chung châu Âu. Tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế đầu tàu thế giới hiện rất cao (Mỹ 102%, Ô-xtrây-li-a 138%, I-ta-li-a 146%, Đức 185%, Pháp 250%…). Lần đầu trong lịch sử có nghịch lý là, những nước có nền kinh tế phát triển cao như Tây Ban Nha, I-ta-li-a trong nhóm 10 nền kinh tế phát triển nhất thế giới lại ở trong tình trạng cần có sự trợ giúp tài chính của cộng đồng quốc tế, trong đó có những nước có trình độ phát triển kém hơn, thông qua các định chế tài chính quốc tế. Khủng hoảng nợ công đã góp phần châm ngòi gây ra những hệ lụy tiêu cực trên thị trường tài chính quốc tế, khiến cho hệ thống tài chính toàn cầu luôn trong trạng thái co giật. Chỉ trong quý III-2011, chỉ số trên các thị trường chứng khoán châu Âu sụt 17%, châu Á mất 16%, Mỹ mất gần 14% (mức giảm điểm theo quý tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng năm 2008); tương đương mất gần 10.000 tỷ USD. Lần đầu một loạt các nền kinh tế lớn (như Mỹ, I-ta-li-a, Tây Ban Nha…) và các định chế tài chính – ngân hàng có uy tín hàng đầu của Anh, Nhật Bản, Pháp… bị các tổ chức đánh giá xếp hạng tín dụng đánh tụt hạng tín nhiệm tài chính chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, trên thị trường tiền tệ, các đồng tiền biến động rất nhanh với biên độ mạnh. Như đồng USD có xu hướng giảm trong suốt những tháng đầu năm nhưng bất ngờ lại tăng mạnh (chỉ trong quý III-2011, đồng USD đã tăng được hơn 7% so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới).
Lạm phát liên tục tăng cao (giá bình quân các mặt hàng chiến lược chỉ trong nửa đầu năm 2011 đã tăng hơn 20%) trở thành thách thức hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới. Đến quý III hầu hết chỉ số CPI của các nước đều vượt hoặc tiệm cận mục tiêu kiềm chế lạm phát cho cả năm 2011 (CPI Mỹ tăng gần 4%, EU tăng gần 3%, Ấn Độ và Nga tăng gần 10%, Trung Quốc tăng gần 4%). Điểm đáng chú ý là giá cả hàng hóa tăng rất cao nhưng lại giảm đột ngột với biên độ lớn chỉ trong thời gian rất ngắn. Như giá vàng tăng 40% từ đầu năm đến tháng 8-2011 nhưng sau đó lại giảm giá tới 25% vào thời điểm cuối tháng 9-2011. Chênh lệch giữa mức cao nhất của giá dầu thời điểm trong quý I đến thời điểm thấp nhất đầu tháng 10-2011 lên đến 60%. Giá cả hàng hóa và giá trị tiền tệ thay đổi nhanh khiến cho các luồng vốn đầu tư, thương mại toàn cầu bị xáo trộn. Theo WTO, thương mại toàn cầu dự báo sẽ chỉ tăng 6,5% trong năm 2011 (so với mức tăng 14,5% năm 2010). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trên thế giới đang ở thời điểm yếu nhất kể từ năm 2009. Giá nhà đất tại Mỹ đã ở gần mức đáy của thời kỳ khủng hoảng, số lượng nhà bị ngân hàng phát mại vẫn tiếp tục tăng. Giá nhà đất tại các nước châu Âu đều giảm, trong đó tại Anh đã bốn tháng liên tiếp ở mức âm. Tại Trung Quốc, kế hoạch làm dịu cơn sốt giá nhà đất của chính phủ nước này chưa có kết quả khi mà giá bất động sản ở hầu hết các thành phố lớn của nước này vẫn không ngừng tăng.
Lạm phát tăng cao thời điểm nửa đầu năm 2011 sau đó đến giai đoạn tăng trưởng kinh tế suy giảm nửa cuối năm đã khiến cho tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao (Mỹ hơn 9%, EU 10%, ở Trung Quốc tại các đô thị lên tới 9%), tác động tiêu cực đến hệ thống an sinh xã hội, gây bức xúc trong xã hội, từ đó đã phát sinh những cuộc biểu tình phản đối chính quyền ở một số nước châu Âu, Mỹ… hay nghiêm trọng hơn là những hoạt động bạo loạn, lật đổ chính phủ ở Ai Cập, Xi-ri, Li-bi…
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế toàn cầu khá u ám đó vẫn có những điểm sáng quan trọng là cơ sở để kinh tế thế giới có thể vượt qua khó khăn để ổn định và phục hồi: Sự hợp tác giữa các quốc gia để chung tay đối phó với những khó khăn của từng nước và khu vực trở nên rõ ràng hơn so với thời gian trước. IMF, WB, G20, nhóm BRICS đã thống nhất nhận thức phải phối hợp hành động để giải quyết các vấn đề khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhất là khủng hoảng nợ ở châu Âu; Nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực đã bị đẩy lùi. Hiện giá dầu thô dao động chung quanh mức giá hơn 80 USD/thùng (thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây); giá lương thực trên đà giảm (chỉ trong tháng 9, giá lúa mì và ngô giảm tới 23%). Việc hàng loạt các nền kinh tế lớn và định chế ngân hàng có uy tín bị hạ xếp hạng về tài chính, tín dụng cũng cho thấy hệ thống cảnh báo an toàn tài chính đã được chú ý và hoạt động mau lẹ hơn so với thời điểm 2008-2009. Dự trữ ngoại hối của các quốc gia tăng đáng kể trong thời gian qua (gần 20%/năm) cũng là cơ sở để có thể giải quyết khó khăn về vốn trong trường hợp cần thiết. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới trong năm nay có thể phục hồi ở mức trước khủng hoảng với dòng vốn đầu tư có thể lên đến 1,6 nghìn tỷ USD (theo UNCTAD). Lĩnh vực sản xuất của các nền kinh tế lớn bắt đầu có tín hiệu tích cực. Đơn đặt hàng hàng hóa cơ bản của Mỹ tăng từ tháng 8 sau khi giảm trong các tháng trước đó, chỉ số lĩnh vực sản xuất tháng 10-2011 tại Trung Quốc lên cao nhất trong bốn tháng qua, chỉ số niềm tin kinh doanh quý III-2011 của Nhật Bản trở nên tích cực, lần đầu tiên từ đầu năm, do các công ty đã khôi phục dây chuyền sản xuất sau thảm họa động đất và sóng thần nhanh hơn so với dự đoán.
Dự báo, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm, trì trệ. Mới đây, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011 xuống dưới 4% (từ mức 4,3% dự báo thời điểm giữa năm). Trong bối cảnh này, kinh tế các nước khu vực ASEAN đang là điểm sáng của kinh tế thế giới khi không gặp phải những vấn đề quá khó khăn (ADB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN vẫn duy trì mức cao), thậm chí theo đánh giá của giới đầu tư quốc tế đây là khu vực an toàn nhất của kinh tế thế giới hiện nay.
Những tác động của kinh tế thế giới đối với an ninh kinh tế và ổn định chính trị xã hội của nước ta
Kinh tế Việt Nam năm 2011 chịu tác động trực tiếp, tiêu cực của kinh tế thế giới và đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2010, đe dọa an ninh kinh tế và ổn định chính trị – xã hội của nước ta, cụ thể: Lạm phát gia tăng (ở mức cao nhất khu vực châu Á) và tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến xấu đã tác động xấu đến đời sống nhân dân, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời gây tâm lý bất an trong xã hội, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình khiếu kiện, đình công diễn biến phức tạp; Giá vàng và tỷ giá VND/USD biến động khó lường. Sự tồn tại của thị trường tự do mua bán ngoại tệ và vàng đã gây ra tình trạng đầu cơ làm giá trục lợi, làm méo mó thị trường (có thời điểm trong tháng 9-2011 chênh lệch giá vàng thế giới và Việt Nam lên tới 5 triệu đồng/lượng); Hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng gặp nhiều khó khăn và chứa đựng rủi ro cao. Thị trường bất động sản đóng băng do tín dụng bị thắt chặt có thể gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Việc tồn tại hai lãi suất trong hoạt động ngân hàng (lãi suất niêm yết và lãi suất thỏa thuận) đã tiếp tục tạo điều kiện cho những giao dịch “chui”, các hành vi móc ngoặc. Hoạt động tín dụng “đen” phát triển mạnh, các hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo nhau trong hoạt động tín dụng ngân hàng, bất động sản, chứng khoán diễn ra phức tạp, có quy mô lên tới hàng trăm tỷ đồng; Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào nhất là vốn vay với lãi suất cao. Dòng tiền thu hẹp gây ra khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp dẫn đến thất nghiệp, tác động tiêu cực đến an sinh xã hội; Trong khi đó, các thế lực thù địch cũng đã lợi dụng hiệu ứng từ các biến cố chính trị tại Bắc Phi, Trung Đông kết hợp với những khó khăn về kinh tế – xã hội ở trong nước để đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ kiểu “cách mạng đường phố”; Kinh tế khó khăn cùng với ảnh hưởng xấu từ bên ngoài thông qua in-tơ-nét, trò chơi bạo lực qua mạng… khiến tình hình trật tự xã hội, các hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội có những diễn biến phức tạp, quy mô và tính chất tội phạm thay đổi theo chiều hướng tinh vi, có phần man rợ hơn và trẻ hóa. Các hiện tượng ăn chơi, phô bày xa hoa theo lối sống thực dụng du nhập từ bên ngoài xuất hiện nhiều hơn, trong khi trong xã hội còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Trước những khó khăn thách thức nêu trên, Đảng đã có chỉ đạo kịp thời, đúng hướng ngay từ quý I-2011 (Kết luận số 02-KL/T.Ư của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế – xã hội năm 2011) và sau đó nhờ có việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội về kinh tế – xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội nên tình hình kinh tế – xã hội nước ta về cuối năm đã có những chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng vẫn giữ ở mức hợp lý; lạm phát bùng phát nhưng đến quý III đã tăng chậm lại và có xu hướng giảm dần; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khá, nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức gần 10%; thị trường tài chính – tiền tệ có những dấu hiệu tích cực từ đầu quý III, lãi suất ngân hàng có dấu hiệu giảm; thu hút đầu tư nước ngoài ổn định. Hoạt động du lịch vẫn giữ đà tăng trưởng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 15%; an sinh xã hội được tăng cường; an ninh chính trị được bảo đảm.
Một số định hướng, giải pháp
Đây là giai đoạn kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn thách thức nhất kể từ sau khủng hoảng 2008-2009; trong quá trình hội nhập, kinh tế Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực và điều này đang làm sâu sắc thêm những hạn chế nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự chỉ đạo của Đảng và sự điều hành vĩ mô thời gian qua của Nhà nước là đúng hướng, phù hợp với tình hình. Do vậy, cần tiếp tục tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý điều hành, doanh nghiệp và nhân dân để đưa kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, thử thách. Mục tiêu thời gian tới là kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển kinh tế bền vững; thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, từ thành quả kinh tế để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao vị thế trong quá trình hội nhập.
Về định hướng và các giải pháp cụ thể, các cấp, các ngành cần tổ chức thực hiện nhất quán, quyết liệt và có hiệu quả các mục tiêu, chính sách và biện pháp nêu trong Kết luận số 02-KL/T.Ư của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, hành động cụ thể thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ ba BCH T.Ư Đảng khóa XI về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách nhà nước năm năm 2011-2015 và năm 2012. Xin nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ:
Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô không có cách nào khác là phải thực hiện từng bước quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: Điểm khởi đầu là: đánh giá lại cơ cấu và hiệu quả từng ngành, lĩnh vực thời gian qua; thực hiện công tác quy hoạch một cách cơ bản, chiến lược lâu dài để từ đó xây dựng các đề án tái cơ cấu cho từng lĩnh vực và tổng thể nền kinh tế; rà soát, nghiên cứu để sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình tái cơ cấu; Điểm đột phá là: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, bảo đảm sự tập trung, lan tỏa về kinh tế – xã hội, có tính chiến lược, lâu dài; đồng thời có biện pháp để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào dự án hạ tầng kinh tế – xã hội; Tái cơ cấu doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng tăng quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, mở rộng các kênh huy động vốn khác ngoài hệ thống ngân hàng.
Trong quá trình ổn định kinh tế vĩ mô cần chú ý tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực như thu chi ngân sách, mua sắm công, đầu tư công, thị trường bất động sản, thị trường vàng, hoạt động tín dụng, thị trường ngoại hối, hoạt động kinh doanh xăng, dầu… Để bảo đảm an sinh xã hội cần quan tâm bổ sung thêm các chính sách về phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ môi trường; siết lại trật tự kỷ cương, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn, tiêu cực xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và giáo dục… Để duy trì đà tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh đầu tư công và chi tiêu công bị cắt giảm, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác trong nền kinh tế: Tạo thêm điều kiện thuận lợi, ổn định và đơn giản hóa các thủ tục pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển, đa dạng hóa các cơ chế, hình thức đầu tư như BT, BOT, PPP…; tháo gỡ khó khăn về vốn (lãi suất), về thuế cho doanh nghiệp.
Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh – trật tự: Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản và huy động sức mạnh quần chúng để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phức tạp về an ninh, nhất là an ninh kinh tế và an ninh nông thôn; Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền để củng cố niềm tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự điều hành có hiệu quả của Nhà nước. Chủ động tiến công vô hiệu hóa, ngăn chặn đấu tranh với các nguồn thông tin, các đối tượng lợi dụng khó khăn kinh tế để gây bất an trong xã hội, nhất là không để hình thành các tổ chức đối lập trái với lợi ích quốc gia, dân tộc và ý nguyện của nhân dân.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế; bằng mọi hình thức và biện pháp tiến hành tranh thủ sức mạnh ngoại lực cho phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, góp phần giải quyết những vấn đề nhạy cảm trong khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()