Một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế nước ta. Nghị quyết 11/NQ-CP đã thể hiện rõ sự chuyển biến trong tư duy điều hành kinh tế, đặc biệt tư tưởng chủ đạo là vận dụng cơ chế thị trường, tránh can thiệp bằng những biện pháp hành chính làm méo mó thị trường.Trên cơ sở những kinh nghiệm kiềm chế lạm phát năm 2008 và ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, sáu nhóm giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP là tương đối toàn diện, phù hợp, nếu chúng ta đồng tâm phối hợp chặt chẽ và quyết tâm thực hiện có hiệu quả thì chắc chắn sẽ tạo nên sự chuyển biến lớn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI ngay từ những ngày đầu triển khai.Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đạt được hiệu quả thì cần tính toán kỹ trong...
Trên cơ sở những kinh nghiệm kiềm chế lạm phát năm 2008 và ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, sáu nhóm giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP là tương đối toàn diện, phù hợp, nếu chúng ta đồng tâm phối hợp chặt chẽ và quyết tâm thực hiện có hiệu quả thì chắc chắn sẽ tạo nên sự chuyển biến lớn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI ngay từ những ngày đầu triển khai.
Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đạt được hiệu quả thì cần tính toán kỹ trong chỉ đạo những vấn đề sau:
Một là, song song với thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP cần tính đến những giải pháp lâu dài. Những giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP tập trung chủ yếu vào những biện pháp tiền tệ. Điều này rất đúng đắn nhằm khắc phục ngay tình hình lạm phát hiện nay. Tuy vậy mới chỉ mang tính chất ngắn hạn, tức thời. Tái cơ cấu nền kinh tế được coi là giải pháp quan trọng giải quyết tận gốc vấn đề lạm phát, thế nhưng lại chưa được đề cập trong Nghị quyết 11/NQ-CP. Nếu trong Nghị quyết đề cập đến những giải pháp dài hạn này thì tính thuyết phục và hiệu quả sẽ cao hơn. Thí dụ, sau khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP trong năm nay thì vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được thực hiện như thế nào. Việc tính toán chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ xuất phát từ đòi hỏi ứng phó với tình hình trước mắt, mà chính là để giải quyết những nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Tái cơ cấu nền kinh tế còn là xu hướng hiện nay của các nước trên thế giới. Việt Nam cần tranh thủ xu hướng này để đáp ứng không chỉ đòi hỏi trong nước mà cả yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ thì cần xem xét ngay trong năm 2011, phải triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế như thế nào. Ý thức, tư tưởng chủ đạo về tái cơ cấu đã rõ, nhưng đến nay bước đi cụ thể thì chưa rõ ràng. Thí dụ như cần tập trung phát triển các ngành sản xuất tiêu hao ít năng lượng hay sử dụng công nghệ sạch. Các sản phẩm xuất khẩu cần tận dụng tối đa nguồn lực trong nước, khắc phuc tình trạng hiện nay là cứ đẩy mạnh xuất khẩu thì lại càng làm tăng nhập siêu…
Thứ hai, trong Nghị quyết 11/NQ-CP, chính sách tiền tệ được nghiên cứu, đề cập một cách cụ thể. Nhờ những kinh nghiệm điều hành năm 2008 và 2009 mà nhóm giải pháp chính sách tiền tệ trong năm nay có sự thận trọng, uyển chuyển. Ngược lại, nhóm giải pháp chính sách tài khóa trong Nghị quyết 11/NQ-CP lại chưa được cụ thể, rõ ràng. Khác với năm 2008, việc cắt giảm đầu tư công năm nay được chuẩn bị kỹ càng hơn, tư duy, ý thức chuyển biến hơn khi các đơn vị thực hiện đều nhận thức được rằng, việc cắt giảm đầu tư công là cần thiết, chứ không coi nhẹ giải pháp này. Năm nay, việc cắt giảm đầu tư công được khẳng định rõ trong Nghị quyết 11/NQ-CP là nhằm mục tiêu giảm bớt nợ công, đưa bội chi ngân sách về mức dưới 5% GDP. Song, giải pháp để triển khai nhiệm vụ này lại chưa cụ thể, chưa có tiêu chí rõ ràng, vẫn chỉ là hô hào rà soát bằng ý thức của địa phương, đơn vị. Vì vậy, kết quả thực hiện có thể sẽ không đáp ứng yêu cầu đề ra, thậm chí việc triển khai có thể bị lợi dụng: có những công trình không thể khởi công được do thủ tục đầu tư chưa hoàn thành hoặc giải phóng mặt bằng chưa xong thì cũng đưa vào diện cắt giảm đầu tư để lấy thành tích. Với những dự án, công trình chưa thật sự cấp bách, nhưng vì chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định nên nhiều địa phương, đơn vị có thể vin vào lý do này, lý do kia để cho đó là công trình, dự án cấp bách, cần thiết triển khai. Điều đó gây ra sự không công bằng, làm cho việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP không nghiêm túc, hiệu quả sẽ rất thấp. Một khi quy định cụ thể các tiêu chí rõ ràng thì các địa phương, đơn vị mới thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt. Chẳng hạn có thể quy định cụ thể trong năm nay tất cả các trụ sở không được khởi công mới…
Liên quan việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, nếu có những tiêu chí cụ thể thì giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả lớn bởi thực tế nhiều năm qua, chi tiêu ngân sách vẫn còn lãng phí. Đơn cử như việc quy định giảm hội họp như thế nào, lễ khai trương, khánh thành, mừng công… có cấm không. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi ngân sách một cách lâu dài thì vấn đề cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy quản lý Nhà nước là vô cùng quan trọng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, không chỉ dừng lại ở việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành văn bản… mà cần được mở rộng ra cả việc tinh gọn bộ máy hành chính, xoá bỏ những cơ quan, bộ phận bị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ… Cán bộ làm việc có hiệu quả, hiệu suất cao sẽ góp phần tiết kiệm chi ngân sách.
Thứ ba, về chỉ đạo, điều hành, Chính phủ vừa rồi đã chỉ đạo cương quyết, tập trung nhưng cơ bản nhất vẫn là sự phối hợp có trách nhiệm giữa các bộ, các ngành, địa phương. Do đó, cần phân rõ trách nhiệm cụ thể để bảo đảm sự phối hợp này đạt hiệu quả. Trong chỉ đạo, phải quán triệt Kết luận số 02-KL/T.Ư ngày 16-3-2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế xã hội năm 2011 và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là ưu tiên kiềm chế lạm phát. Một số địa phương, đơn vị hiện vẫn nặng về tăng trưởng, sợ rằng giảm bớt tăng trưởng sẽ không giải quyết được việc làm. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu như trong tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ lần này nói rõ mức tăng trưởng năm nay cần đạt được bao nhiêu để ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu chúng ta ưu tiên kiềm chế lạm phát mà vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay là rất khó thực hiện. Ngược lại, nếu như cố gắng đạt được mức tăng trưởng 6 – 6,5% thì lạm phát giữ được dưới hai con số đã là thành công rất lớn.
Ngoài ra, lộ trình tăng giá một số mặt hàng thiết yếu cũng cần được làm rõ để các doanh nghiệp, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nếu không sẽ tạo nên tâm lý kỳ vọng vào đợt tăng giá mới. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu thế giới tăng mạnh và trong thời gian tới sẽ ổn định ở mức trên 100 USD, mặt bằng giá mới có khả năng được hình thành ở mức cao hơn. Vì vậy, cần nghiên cứu, theo dõi kỹ để có những chính sách điều chỉnh phù hợp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()