Một số tình huống phát sinh trong công tác chuẩn bị bầu cử
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, có thể có những tình huống phát sinh. Vậy những tình huống đó là gì và pháp luật về bầu cử quy định về những tình huống đó như thế nào là vấn đề được nhiều thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử, những người ứng cử và cử tri quan tâm.Vấn đề thứ nhất đặt ra là, một người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử có thể được bầu làm đại biểu QH và đại biểu HĐND hay không và làm đại biểu HĐND ở mấy cấp.QH và HĐND đều là cơ quan quyền lực Nhà nước (ở T.Ư và ở địa phương) và là cơ quan dân cử. Đại biểu QH và đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Theo quy định của pháp luật thì một người chỉ được ứng cử đại biểu HĐND không quá hai cấp. Nếu đã ứng cử đại biểu QH thì chỉ được ứng cử làm đại biểu HĐND ở một cấp.Trường hợp thứ hai là người tự ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND...
Vấn đề thứ nhất đặt ra là, một người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử có thể được bầu làm đại biểu QH và đại biểu HĐND hay không và làm đại biểu HĐND ở mấy cấp.
QH và HĐND đều là cơ quan quyền lực Nhà nước (ở T.Ư và ở địa phương) và là cơ quan dân cử. Đại biểu QH và đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Theo quy định của pháp luật thì một người chỉ được ứng cử đại biểu HĐND không quá hai cấp. Nếu đã ứng cử đại biểu QH thì chỉ được ứng cử làm đại biểu HĐND ở một cấp.
Trường hợp thứ hai là người tự ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND đã qua hiệp thương và được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử thì có được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử hay không? Theo quy định của pháp luật, công dân ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND là người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Vì vậy, công dân xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật, có thể tự mình làm đơn, nộp hồ sơ ứng cử. Qua hiệp thương lần thứ hai nếu được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc (nếu có), sau đó đưa vào danh sách để hiệp thương lần thứ ba. Nếu người tự ứng cử có đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử.
Một trường hợp khác là công dân Việt Nam cư trú và làm việc ở nước ngoài trở về nước trước ngày bầu cử có được tham gia bầu cử hay không? Pháp luật quy định, công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống trên mọi miền đất nước Việt Nam và ở nước ngoài. Công dân Việt Nam cư trú và làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ, đến UBND xã, phường, thị trấn nơi tạm trú xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam và đề nghị được ghi tên vào danh sách cử tri. Nếu xét thấy có đủ điều kiện bầu cử theo quy định thì UBND xã, phường, thị trấn ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri và phát thẻ cử tri cho họ để tham gia bầu cử.
Việc xác định một người có quốc tịch Việt Nam hay không (tức là xác định người đó có phải là công dân Việt Nam hay không), thì phải căn cứ vào các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể là, những người sau đây có quốc tịch Việt Nam, nếu:
– Cha mẹ là công dân Việt Nam, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài;
– Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài;
– Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, mà được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc khi được sinh ra cha mẹ đều có nơi thường trú ở Việt Nam, trừ trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch khác.
– Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, được sinh ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cha, mẹ nhất trí chọn quốc tịch Việt Nam;
– Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ đều là người không quốc tịch và có nơi thường trú ở Việt Nam;
– Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai;
– Người được trở lại quốc tịch Việt Nam;
– Người nước ngoài hoặc người không quốc tịch được Nhà nước Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam hoặc được nhận làm con nuôi khi còn nhỏ mà cha mẹ nuôi hoặc một trong cha mẹ nuôi là công dân Việt Nam.
– Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam;
– Người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Người đã có quốc tịch Việt Nam mà bị mất quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam thì không còn là công dân Việt Nam nữa.
Đối với những trường hợp người bị tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không? Theo quy định của pháp luật, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Những bệnh nhân tâm thần thường sống tự do trong nhân dân địa phương, vì mạng lưới y tế chuyên khoa chưa phát triển rộng khắp nên chưa khám và xác định được họ. Tuy nhiên, ở địa phương nếu không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế mà gia đình cam kết và chính quyền địa phương xác nhận họ là người bị tâm thần thì họ cũng bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Người bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không? Pháp luật về bầu cử quy định, người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Như vậy, người bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri, được phát thẻ cử tri để tham gia bầu cử.
Đối với trường hợp người vừa câm, vừa điếc lại không biết chữ thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không? Câu trả lời là có, vì người vừa câm, vừa điếc không thuộc các trường hợp quy định không được ghi tên vào danh sách cử tri. Do vậy, họ được ghi tên vào danh sách cử tri, tham gia bầu cử.
Tuy nhiên, việc viết và bỏ phiếu, nếu họ không tự viết được phiếu bầu thì áp dụng theo quy định: 'Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu'.
Việc xác định người mất trí trong khi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tiến hành như sau: Mất trí là tình trạng mất hết khả năng hoạt động trí óc, khả năng nhận thức, suy nghĩ, phán đoán… Mất trí là một nội dung của khái niệm mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác định người bị mất năng lực hành vi dân sự được căn cứ vào quyết định của Tòa án hoặc do bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa xác nhận. Theo quy định, thì người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.
Theo Nhandan
Ý kiến ()