Một số thay đổi liên quan đến chính sách BHXH, BHYT từ 2020
Từ năm 2020 sẽ có một số thay đổi quan trọng về chính sách BHXH, BHYT như: Điều kiện về độ tuổi hưởng lương hưu của người lao động; điều kiện và mức tính hưởng lương hưu đối với lao động nam; một số quyền lợi về BHYT được điều chỉnh…
Từ năm 2020, lao động nam đủ 55 tuổi và lao động nữ đủ 50 tuổi mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên |
Theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 27 của Luật Thi hành án dân sự số 41/2019/QH14 “Phạm nhân được tham gia BHXH tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về BHXH theo quy định của pháp luật”. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2014 thì từ năm 2020, lao động nam đủ 55 tuổi và lao động nữ đủ 50 tuổi mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2020 phải có đủ 18 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 quy định từ ngày 1/7/2020 mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng. Theo đó, một số quyền lợi về BHYT của người tham gia BHYT nói chung và người lao động nói riêng sẽ được điều chỉnh thay đổi theo.
Cụ thể, mức hưởng BHYT theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT như sau:
– Người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với trường hợp chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở tương đương 240.000đ.
– Người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tương đương với 9.600.000đ, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến.
Xác định mức thanh toán trực tiếp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP:
– 0,15 lần mức lương cơ sở tương đương với 240.000đ;
– 0,15 lần mức lương cơ sở tương đương với 800.000đ;
– 1,0 lần mức lương cơ sở tương đương với 1.600.000đ;
– 2,5 lần mức lương cơ sở tương đương với 4.000.000đ.
Mức thanh toán chi phí vật tư y tế theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT không vượt quá 45 tháng lương cơ sở tương đương với 72.000.000đ.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()