Một số suy nghĩ về vấn đề kiềm chế lạm phát ở Việt Nam
Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành vào tháng 2/2011 đã thể hiện Việt Nam nỗ lực kiềm chế lạm phát. Trên cơ sở đó, năm 2012 được đánh giá là năm Việt Nam thực hiện thành công việc kiềm chế lạm phát. Tuy vậy, nguy cơ lạm phát tăng cao ở Việt Nam vẫn hiện hữu.Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng 11 và cả năm 2012 tăng 6,81%. Như vậy, lạm phát năm 2012 thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là 8%. Kết quả này là rất tích cực so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và 18,13% của năm 2011. Nhìn chung, năm 2012, lạm phát giảm mạnh trong nửa đầu năm và đạt mức thấp nhất trong tháng 8, sau đó tăng chậm trong những tháng cuối năm. Việc giảm nhanh chóng và vững chắc tỷ lệ lạm phát từ mức đỉnh điểm 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 7% vào tháng 11/2012 là một thành tựu lớn. Động lực lớn nhất cho sự thay đổi này là mức giảm đáng kể về giá lương thực thực phẩm, từ 34% xuống...
Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành vào tháng 2/2011 đã thể hiện Việt Nam nỗ lực kiềm chế lạm phát. Trên cơ sở đó, năm 2012 được đánh giá là năm Việt Nam thực hiện thành công việc kiềm chế lạm phát. Tuy vậy, nguy cơ lạm phát tăng cao ở Việt Nam vẫn hiện hữu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng 11 và cả năm 2012 tăng 6,81%. Như vậy, lạm phát năm 2012 thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là 8%. Kết quả này là rất tích cực so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và 18,13% của năm 2011. Nhìn chung, năm 2012, lạm phát giảm mạnh trong nửa đầu năm và đạt mức thấp nhất trong tháng 8, sau đó tăng chậm trong những tháng cuối năm. Việc giảm nhanh chóng và vững chắc tỷ lệ lạm phát từ mức đỉnh điểm 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 7% vào tháng 11/2012 là một thành tựu lớn. Động lực lớn nhất cho sự thay đổi này là mức giảm đáng kể về giá lương thực thực phẩm, từ 34% xuống còn 2% trong cùng thời gian nói trên. Việt Nam làm được điều này chủ yếu là nhờ sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tốt và việc giá hàng hóa trên toàn cầu tăng chậm hoặc thậm chí không tăng, nhất là giá gạo. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản – tính bằng cách loại trừ phần lạm phát với các mặt hàng dễ biến động như lương thực thực phẩm và nhiên liệu khỏi lạm phát thông thường – không những không giảm nhiều mà còn bắt đầu tăng nhanh trong vài tháng qua.
Biến động khó lường
Theo ý kiến một số chuyên gia, CPI năm 2012 biến động tương đối thất thường đặc biệt trong tháng 9 (tăng 2,2%) do tăng giá đột biến của nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục. Sau khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá, tốc độ tăng CPI có xu hướng chậm dần, đến tháng 12/2012 chỉ tăng 0,27%, trong khi thông thường thời điểm cuối các năm giá tăng cao. Nhìn chung, ở Việt Nam tốc độ lạm phát thường biến động lớn vào thời gian cuối năm cũ, đầu năm mới, nên nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới lạm phát sẽ quay trở và việc kêu gọi giảm lãi suất cũng sẽ khó được thực hiện nếu các cơ quan chức năng vẫn còn kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo dự kiến, giá cả sẽ tăng trở lại. Đây sẽ là nguyên nhân làm chậm lại tác động của việc giảm lãi suất và rất nhiều chính sách quản lý giá đã được thực thi hoặc được lên kế hoạch trong nhiều ngành như: y tế, năng lượng, giáo dục… Cụ thể, trong tháng 1/2013, lạm phát tăng 1,25%, và nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ với đà này thì lạm phát năm 2013 lên tới 16%. Điều này cho thấy, mục tiêu kiềm chế lạm phát nếu không có giải pháp đồng bộ thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Cần khuyến khích sản xuất để góp phần kiềm chế lạm phát (Ảnh: Đ.H) |
Có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát ở Việt Nam, cả về chủ quan và cả về khách quan. Xét về chủ quan, việc bố trí cơ cấu kinh tế và theo đó là cơ cấu đầu tư mắc sai lầm kéo dài: đầu tư phát triển công nghiệp nặng quá mức khi chưa có những tiền đề cần thiết; các ngành sản xuất hàng hoá tiêu dùng chưa được chú ý phát triển; xây dựng nhiều mà hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến tổng sản phẩm quốc dân tăng chậm, nạn khan hiếm hàng hoá diễn ra triền miên. Ngân sách liên tục bội chi với mức độ quá lớn do mở rộng khu vực các doanh nghiệp nhà nước tràn lan, hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả trong khi phải thực hiện nhiệm vụ bao cấp bộ máy cồng kềnh, kém năng lực, tham nhũng, tiêu cực làm thất thoát nguồn thu ngân sách. Tín dụng tăng cao quá mức, vi phạm những vấn đề có tính nguyên tắc như: tốc độ tăng tín dụng nhanh hơn tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân; đầu tư tín dụng vượt nguồn huy động của ngân hàng, buộc phải phát hành tiền bổ sung. Việc quản lý và điều hành ở tầm kinh tế vĩ mô của Nhà nước mà trực tiếp là của Ngân hàng Nhà nước còn yếu…
Do những nguyên nhân chủ yếu trên, lạm phát ở Việt Nam biến động khó lường. Lạm phát về cơ bản tuy đã được kiềm chế, nhưng nguy cơ lạm phát tăng cao vẫn còn hiện hữu. Đây cũng là một trong những lý do Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành hồi tháng 2 năm 2011, với mục tiêu chủ yếu là tập trung kiềm chế lạm phát tiếp tục được thực thi.
Có thể thấy, để kiềm chế lạm phát ở mức thấp, năm 2013 cần có một chính sách tiền tệ hợp lý và coi đây là một công cụ quan trọng. Vì, toàn bộ hoạt động kinh tế trong nền kinh tế thị trường đều biểu hiện dưới hình thức tiền tệ và chịu tác động về mặt vĩ mô của chính sách tiền tệ. Một chính sách tiền tệ hợp lý là chính sách góp phần đắc lực vào việc ổn định và tăng sức mua của đồng tiền, kiềm chế lạm phát ở mức chấp nhận được, duy trì được tỷ giá hối đoái thực tế hợp lý, huy động được nhiều vốn và cho vay có hiệu quả cao.
Tăng cung để khuyến khích phát triển sản xuất
Để kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý trong năm 2013, có nhiều biện pháp, có thể nêu ra hai biện pháp chủ yếu sau: Về nhóm biện pháp tác động vào quan hệ cung – cầu: Để cân đối tiền – hàng trong nền kinh tế, có thể thực hiện các giải pháp làm tăng cung như khuyến khích phát triển sản xuất, khuyến khích cạnh tranh, mở cửa cho phép hàng hoá bên ngoài vào trong nước (trong nước chưa sản xuất được hoặc hiệu quả sản xuất chưa cao) gắn chặt với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao nhịp độ tăng trưởng của các ngành sản xuất, nhất là các ngành sản xuất hàng hoá thiết yếu và phục vụ xuất khẩu…
Tuy vậy, việc tăng sản lượng là điều không dễ, đòi hỏi phải có thời gian dài, trong khi lạm phát luôn ở trạng thái biến động và luôn tạo ra trạng thái cầu lớn hơn cung. Do đó, không thể thụ động đợi các biện pháp tăng cung từ sản xuất, mặc dù đó là giải pháp cơ bản lâu dài, mà cần sử dụng các biện pháp tình thế sau: trên cơ sở nâng cao và khai thác tốt các nguồn thu trong các thành phần kinh tế nhằm đáp ứng những nhu cầu chi thiết yếu, cơ bản và hợp lý, cần xoá bỏ các khoản bao cấp đối với khu vực sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả, giảm chi ngân sách, bù đắp bội chi bằng cách phát hành công trái, tín phiếu… và tiến tới chấm dứt bội chi ngân sách; thắt chặt tín dụng, thực hiện đúng những nguyên tắc lưu thông tín dụng: cho vay phải có vật tư hàng hoá bảo đảm và tiền phải thường xuyên quay về ngân hàng cả gốc lẫn lợi nhuận, thực hiện nguyên tắc cho vay bằng nguồn vay, không dùng tiền phát hành để cho vay; sử dụng đúng đắn và linh hoạt đòn bảy lãi suất tiền gửi và các hình thức huy động khác nhằm khuyến khích tiết kiệm trong dân chúng, giảm lượng tiền giấy trong lưu thông.
Nỗ lực giảm chi phí sản xuất
Thực tiễn cho thấy, các giải pháp tác động chỉ riêng vào cung hoặc chỉ riêng vào cầu không phải bao giờ cũng đưa lại một kết quả như mong đợi chủ quan, mà cần có sự tác động đồng thời vào cả hai mặt cung và cầu.
Muốn khống chế và giảm lạm phát, trong năm 2013 cần có các giải pháp tác động để giảm chi phí sản xuất, đó là: Thực hiện đa dạng hoá các nguồn cung ứng vật tư nguyên liệu trên cơ sở lợi thế nhờ quy mô và lợi thế so sánh; xác lập các định mức tiêu hao vật tư nguyên liệu có căn cứ khoa học, nhằm thực hiện việc tiết kiệm vật tư nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ để giảm thiểu tối đa chi phí các yếu tố đầu vào; khống chế, kiểm soát giá cả và tiền lương, thực hành tiết kiệm các yếu tố gắn với thị trường đầu vào của sản xuất để giảm chi phí sản xuất.
Ngoài các nhóm biện pháp trên, cũng cần áp dụng các biện pháp khác như: trao quyền định giá các mặt hàng không độc quyền cho người sản xuất và người tiêu dùng; các mặt hàng thiết yếu hoặc vật tư chiến lược, Nhà nước xác định rõ hơn khung áp giá; kiên quyết áp dụng một tỷ giá ngoại hối thống nhất và linh hoạt cũng như thực hiện tập trung ngoại tệ bằng cơ chế mua, bán thông qua ngân hàng theo tỷ giá kinh doanh sát với thị trường; đẩy mạnh việc khuyến khích mang ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý vào trong nước (hạn chế hoạt động xuất khẩu vàng), đồng thời kiểm soát việc mang những thứ đó ra nước ngoài; không cấm việc kinh doanh vàng, bạc, đá quý của tư nhân, nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ…
Thông thường, tâm lý là một yếu tố liên quan đến lạm phát. Trình độ của đa số dân trí chưa cao, dễ tin theo tin đồn. Do đó, cần có các giải pháp hữu hiệu, nhất là công tác tuyên truyền hiệu để tác động đến tâm lý của người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Cần sử dụng hiệu quả hơn phương tiện thông tin đại chúng để làm cho nhân dân có những thông tin đầy đủ nhất, chính xác, kịp thời nhất về giá cả và chất lượng hàng hoá. Nhà nước cần công bố kịp thời các chủ trương, biện pháp tác động đến thị trường, giá cả, lạm phát… trong từng thời gian để cho nhân dân biết, qua đó mà điều chỉnh tâm lý của họ có lợi cho việc điều hoà lưu thông tiền tệ.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()