Một số quy định mới về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, ngày 08/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, ngày 08/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Nghị định này quy định điều kiện, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại; Việc sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại.
Theo Nghị định, nội dung kinh doanh vận chuyển hàng không bao gồm: quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm vận chuyển hàng không trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Về hoạt động hàng không chung chia thành hai hình thức: Kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại và kinh doanh hàng không chung không vì mục đích thương mại (phục vụ cho các tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích sinh lợi). Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là 100 tỷ đồng Việt Nam.
Hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, đầu tư và doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại.
Về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 05 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh bao gồm: số lượng, chủng loại tàu bay; hình thức chiếm hữu; phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay; nguồn vốn bảo đảm chiếm hữu tàu bay.
Về tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam được quy định như sau: Đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng là 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, kinh doanh hàng không vì mục đích thương mại: không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải là đơn vị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại, Giấy chứng nhận đầu tư hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Dangcongsan
Ý kiến ()