Một số lưu ý khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Từ ngày 8-3, Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên (những nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch). Vắc-xin Covid-19 là vắc-xin mới được nghiên cứu, phát triển, cho nên khi triển khai thì cả người tiêm và người được tiêm cần lưu ý một số điểm để tránh những sự cố.
Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã khẩn trương thực hiện đàm phán, mua vắc-xin cũng như chuẩn bị hậu cần để nhanh chóng cung ứng vắc-xin vào triển khai tiêm chủng. Theo kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 – 2022, đợt tiêm đầu tiên được triển khai tại 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về phòng, chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Ðiện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị cho người bệnh Covid-19. Ðối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị cho người bệnh Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương nêu trên.
Bộ Y tế cho biết, vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu này là vắc xin của Tập đoàn AstraZeneca nghiên cứu và phát triển; là một trong ba vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; hiện đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðợt tiêm vắc-xin lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, nhằm mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước.
Cũng như tất cả các vắc-xin khác đã sử dụng, vắc-xin phòng Covid-19 khi được tiêm vào cơ thể có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn. Do vậy, các cơ sở thực hiện tiêm chủng, người tiêm và người được tiêm cần lưu ý một số nội dung quan trọng. PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Phó Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng cho biết, đây là vắc-xin rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được WHO cung cấp đầy đủ. Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt… và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy các cơ sở tiêm chủng thực hiện nguyên tắc “bốn tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng, chống sốc và xử trí kịp thời.
Ðáng chú ý, cũng như tất cả các vắc-xin khác, vắc-xin phòng Covid-19 khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1 đến 2 ngày đầu sau tiêm). Vì thế, ngoài các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm. Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để bảo đảm giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) đưa ra khuyến cáo: Ðể bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc Covid-19 cần xét nghiệm để bảo đảm không bị nhiễm vi-rút. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho nhân viên y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng hoặc tiến triển, cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng bởi rất dễ xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên và có thể cho rằng nguyên nhân là do tiêm chủng. Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào. Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng; phối hợp cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu… Khi ngồi, cần quay mặt về hướng khác với hướng có cán bộ y tế; cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.
Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất hai ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39oC, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ…; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.
Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu giữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo. Mặc dù những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không phổ biến, nhưng với đối tượng được tiêm lại là người có bệnh lý nền thì việc cẩn trọng trong giám sát sức khỏe là hết sức cần thiết, để tránh những rủi ro. Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế, để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm đánh giá đúng về đặc điểm của vắc-xin cũng như góp phần giúp ngành y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết, theo các dữ liệu đến tháng 2-2021, vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai; chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch Covid-19, trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vắc-xin đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn.
Ý kiến ()