Một số giải pháp chống chuyển giá
Một số vấn đề liên quan đến chuyển giá Chuyển giá được hiểu là hành vi thực hiện bởi các chủ thể kinh doanh về việc thay đổi giá của tài sản, hàng hóa, dịch vụ so với giá thị trường thông qua các giao dịch liên kết nhằm mục đích tối thiểu hóa nghĩa vụ nộp thuế.Qua phân tích báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp (DN) cùng nhóm ngành nghề giữa khu vực DN FDI và DN trong nước, thì lợi nhuận bình quân của các DN trong nước luôn cao hơn các DN FDI. Các DN FDI, theo báo cáo thì lỗ nhiều hơn lãi, mức lỗ khá lớn và mỗi năm một tăng, làm cho dư luận nghi ngờ đến tình trạng chuyển giá, giấu lãi để giảm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (NSNN). Với thế mạnh về quy mô vốn, thiết bị công nghệ, trình độ quản lý, tay nghề, tiếp thị và sự hỗ trợ của công ty mẹ từ nước ngoài, cộng thêm ưu đãi của Việt Nam, cùng với nhân công rẻ, chi phí bảo vệ môi trường còn thấp... thì không thể lỗ,...
Qua phân tích báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp (DN) cùng nhóm ngành nghề giữa khu vực DN FDI và DN trong nước, thì lợi nhuận bình quân của các DN trong nước luôn cao hơn các DN FDI. Các DN FDI, theo báo cáo thì lỗ nhiều hơn lãi, mức lỗ khá lớn và mỗi năm một tăng, làm cho dư luận nghi ngờ đến tình trạng chuyển giá, giấu lãi để giảm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (NSNN). Với thế mạnh về quy mô vốn, thiết bị công nghệ, trình độ quản lý, tay nghề, tiếp thị và sự hỗ trợ của công ty mẹ từ nước ngoài, cộng thêm ưu đãi của Việt Nam, cùng với nhân công rẻ, chi phí bảo vệ môi trường còn thấp… thì không thể lỗ, trái lại còn lãi và lãi lớn là tất yếu. Hơn nữa, nếu lỗ lớn và lỗ tăng như vậy, thì sẽ chẳng có chuyện nhiều nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là 'thiên đường đầu tư' để đổ vốn vào các dự án mới hoặc tăng vốn cho các dự án cũ như thời gian qua. Như vậy, đối với không ít DN FDI thì thật sự là 'lỗ giả, lãi thật'.
Nhận diện các hình thức chuyển giá
Qua phân tích số liệu kê khai quyết toán thuế của các DN FDI trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cho thấy các DN kê khai lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết, thể hiện dưới nhiều hình thức như: Công ty mẹ ở nước ngoài bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con với giá cao hơn giá thị trường làm tăng chi phí, tăng khấu hao máy móc, thiết bị tại công ty con ở Việt Nam. Công ty con ở Việt Nam thực hiện hoạt động gia công hoặc bán hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ với giá thấp hơn giá thị trường, hạch toán vào chi phí tại Việt Nam một số khoản mục về quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu, mở rộng thị trường, chi phí lãi vay… mà thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải. Mục đích của các giao dịch nêu trên là nhằm tối thiểu hóa việc phát sinh thu nhập chịu thuế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số DN FDI thường lợi dụng việc khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giữa các nước, để xuất chuyển hàng hóa đến quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế suất thuế TNDN thấp hơn Việt Nam. Ngoài ra, công ty mẹ thường dựa vào các chính sách ưu đãi giữa các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, để tiến hành các hoạt động sáp nhập, giải thể, điều chuyển các địa điểm sản xuất, kinh doanh từ vùng này sang vùng khác để 'tận dụng' ưu đãi miễn giảm thuế TNDN. Hiện tượng chuyển giá cơ quan thuế phát hiện khoảng 10 năm nay, trong đó có khoảng 50% số DN FDI hiện có liên tục khai lỗ không nộp thuế TNDN nhưng chưa có bất kỳ trường hợp nào được xử lý do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Những vướng mắc trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Thuế TNDN) tuy đã có những quy định buộc các DN khi thực hiện các quan hệ giao dịch liên kết, phải kê khai và có nghĩa vụ xuất trình đầy đủ các thông tin, tài liệu và chứng từ, để chứng minh cho việc lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường. Đồng thời, cũng đã giao cho cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế TNDN phải nộp. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai chính sách thuế áp dụng đối với DN FDI, nhất là vấn đề chuyển giá, cơ quan thuế thường gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Trước hết, cơ quan thuế rất khó xác định được giá thị trường khách quan, vì yêu cầu phải có thông tin; đòi hỏi các chuyên gia phải phân tích theo từng ngành nghề, lĩnh vực, đôi khi phải mua hoặc trao đổi thông tin với phía nước ngoài. Nhưng luật pháp hiện nay chưa quy định cụ thể, nên chưa có cơ sở pháp lý để xác định giá thị trường; Nhà nước chưa có quy định nào để bảo đảm giá trị pháp lý của việc ấn định giá, gây lúng túng và bị động đối với cơ quan thuế trong quá trình triển khai, nhất là khi có sự tranh tụng trước pháp luật.
Thứ hai, cơ quan thuế chưa có đủ các cơ sở để áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh, nhằm buộc các DN phải kê khai chính xác về giá đối với các hoạt động giao dịch liên kết (phạt về hành vi gian lận thuế, trốn thuế; truy cứu trách nhiệm hình sự; cấm hoạt động
kinh doanh tại Việt Nam…). Thứ ba, văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ cơ chế phối hợp hoặc quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phối hợp với cơ quan thuế, hỗ trợ xác minh về giá thị trường khách quan (cơ quan xuất nhập cảnh, cơ quan ngoại giao, đại sứ quán, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài). Hơn nữa, cơ quan thuế vẫn chưa có chức năng điều tra thuế… nên không thể xử lý được các trường hợp vi phạm có tính phức tạp, phạm vi rộng ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Một số giải pháp
Hành vi chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng, gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Trước hết gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Chuyển giá dẫn đến môi trường cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép bất bình đẳng, gây phương hại đối với các DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Chuyển giá còn làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế. Ngoài ra, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu của quốc gia do nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu, vật tư với giá cao, nhưng sản phẩm xuất khẩu với giá thấp (số lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu nguyên liệu vật tư luôn lớn hơn số ngoại tệ thu về khi xuất khẩu bán sản phẩm, vì giá bán thấp hơn giá vốn).
Do các công ty FDI (có hiện tượng chuyển giá) thường kê khai tỷ lệ giữa tổng tiền lương, tiền công trả cho người lao động Việt Nam, trên doanh thu khai thuế của họ, đạt tỷ lệ khá cao so với các DN sản xuất trong nước, nhưng trên thực tế, số tiền lương tuyệt đối mà người lao động nhận được từ các công ty FDI lại thấp hơn nhiều so với các DN trong nước (do các công ty FDI đã tối thiểu hóa doanh thu và tối thiểu hóa thu nhập phát sinh tại Việt Nam). Đây cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra các cuộc đình công của công nhân Việt Nam tại các công ty FDI, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Để khắc phục tồn tại phát sinh trong lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan đến hoạt động đối ngoại quốc tế cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cần có sự chỉ đạo tích cực từ cấp Trung ương. Trước mắt, Nhà nước cần có văn bản quy định nhiệm vụ cụ thể cho các ngành có liên quan như: cơ quan thuế, hải quan, quản lý đầu tư, công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng thực hiện tốt việc phối hợp theo thẩm quyền về trao đổi, cung cấp thông tin, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch liên kết và chuyển giá của các DN đầu tư nước ngoài. Theo đó, cơ quan quản lý thuế được quyền áp dụng những biện pháp tạm dừng hoàn thuế GTGT đối với các DN khai báo kết quả kinh doanh lỗ quá vốn chủ sở hữu cho đến khi DN khắc phục được tình trạng liên tục kê khai lỗ, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đồng bộ với Bộ Luật Dân sự của Việt Nam quy định về các điều kiện tồn tại pháp nhân kinh tế.
Về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế TNDN, Luật Dân sự. Hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt. Có như vậy mới chống được hành vi chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhà nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()