Thứ 7, 28/12/2024 05:36 [(GMT +7)]
Một số điểm mới trong tuyển sinh đại học 2011
Thứ 7, 05/03/2011 | 11:25:00 [(GMT +7)] A A
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức ban hành Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy. Mặc dù tiếp tục khẳng định về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “ba chung” như các năm trước nhưng kỳ thi tuyển sinh năm 2011 cũng có nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng thi, tuyển sinh.
Tăng cơ hội trúng tuyển
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), điểm mới đáng chú ý trong năm 2011 chính là quy định người bị khiếm thính, nếu sức khỏe phù hợp với ngành nghề đào tạo, hiệu trưởng quyết định việc tổ chức tuyển sinh (môn thi, cách thức tổ chức thi và công nhận trúng tuyển) được bãi bỏ. Thay vào đó, điểm mới bổ sung quy định thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày thì hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học. Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho vào học.
Đáng chú ý, những thí sinh dự thi đại học theo đề chung của Bộ GD và ĐT, có kết quả thi từ điểm sàn đại học (hoặc cao đẳng) trở lên, nếu không trúng tuyển đợt một, thì nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (đợt hai hoặc đợt ba) vào ngành cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của một trường đại học (hoặc cao đẳng) còn chỉ tiêu xét tuyển. Trong thời hạn quy định, hằng ngày các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và công bố công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng hai, nguyện vọng ba của thí sinh trên trang web của trường. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: nhận hồ sơ, cập nhật thông tin hồ sơ từng ngày, công bố công khai các thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh,… Tất cả các hồ sơ ĐKXT của thí sinh nộp trong thời hạn quy định, đều có giá trị xét tuyển như nhau. Sau khi nộp hồ sơ ĐKXT vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT. Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, điều này sẽ giúp thí sinh có cơ sở thực tế hơn cho việc chọn trường xét tuyển; thay vì nơm nớp lo lắng chờ đến ngày công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng hai hoặc ba thì có thể tự xác định được điểm thi của mình có cơ hội đỗ hay không ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển. Trong giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển, các trường phải ghi rõ kết quả thi của thí sinh và những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học; quy định phải nộp hồ sơ trúng tuyển của thí sinh khi trúng tuyển vào trường như trước đây được bãi bỏ nhằm giảm chi phí và thủ tục cho thí sinh.
Tháo gỡ vướng mắc trong thi trắc nghiệm
Một trong những điểm gây nhiều khó khăn trong tổ chức tuyển sinh những năm trước đây khiến nhiều trường còn lúng túng là thi trắc nghiệm cũng được đổi mới với những quy định cụ thể. Trong đó, cán bộ coi thi ngoài những công việc như trước đây sẽ phải nhận túi đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), hồ sơ thi liên quan mang về phòng thi; ký tên vào giấy nháp và phiếu TLTN; phát phiếu TLTN và giấy nháp, hướng dẫn thí sinh điền vào các mục từ một đến chín trên phiếu TLTN. Trong phát đề thi cho thí sinh, cán bộ coi thi phải bảo đảm sao cho hai thí sinh ngồi cạnh nhau (theo cả hàng ngang và hàng dọc) không có cùng mã đề thi. Khi phát đề thi, thí sinh để đề thi dưới phiếu TLTN và không được xem đề thi; chỉ đến khi thí sinh cuối cùng nhận được đề thi thì cán bộ coi thi cho phép thí sinh lật đề thi lên và ghi, tô mã đề thi vào phiếu TLTN, ghi mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi. Cán bộ coi thi cũng phải kiểm tra việc ghi và tô mã đề thi vào phiếu TLTN của thí sinh (so sánh mã đề thi đã ghi, tô trên phiếu TLTN và ghi trên phiếu thu bài thi với mã đề thi ghi trên tờ đề thi của thí sinh); không cho thí sinh ra khỏi phòng thi và không thu phiếu TLTN trước khi hết giờ làm bài.
Đối với thí sinh khi dự thi các môn trắc nghiệm phải làm bài thi trên phiếu TLTN được in sẵn theo quy định của Bộ GD và ĐT; bài làm phải có hai chữ ký của hai cán bộ coi thi. Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực, không phải là mực đỏ. Các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình lựa chọn. Thí sinh cũng phải kiểm tra đề thi để bảo đảm đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có hai đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận, để bảo đảm tính chính xác và kịp thời, trong xử lý kết quả chấm và làm biên bản chấm thi môn trắc nghiệm, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng; phần mềm chấm phải có chức năng dò kiểm và xác định được các lỗi làm phần riêng của thí sinh để chấm đúng theo quy chế. Đối với những môn đề thi có hai phần (phần chung và phần riêng), phải sử dụng chức năng của phần mềm chấm thi lọc ra tất cả các bài thí sinh làm cả hai phần riêng và kiểm dò thật kỹ để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Một số thời điểm thí sinh cần biết
– Từ ngày 14-3 đến 17 giờ ngày 14-4, các trường THPT thu hồ sơ và lệ phí tuyển sinh (các Sở GD và ĐT thu của thí sinh tự do).
– Từ ngày 15-4 đến 17 giờ ngày 21-4, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thu hồ sơ và lệ phí tuyển sinh mã 99.
– Ngày 4 và 5-7, thi đại học đợt một (khối A, V); ngày 9 và 10-7, thi đại học đợt hai (khối B, C, D, N, H, T, R, M); ngày 15 và 16-7, các trường cao đẳng thi tuyển sinh.
– Trước ngày 1-8, các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh công bố điểm thi của thí sinh (với trường cao đẳng trước ngày 5-8).
– Trước ngày 10-8, Vụ Giáo dục Đại học công bố điểm sàn.
– Xét tuyển đợt hai từ ngày 25-8 đến ngày 15-9; xét tuyển đợt ba từ 20-9 đến 10-10.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()