Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2016
Từ 1/9, hàng loạt chính sách mới về việc thu, quản lý và sử dụng phí đường bộ, bổ sung thêm đối tượng chịu thuế; Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp; Hỗ trợ gạo cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn… sẽ chính thức có hiệu lực.
Bổ sung trường hợp chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 bổ sung và bãi bỏ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005, có hiệu lực từ 1/9, quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, biểu thuế, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đáng chú ý, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi đã bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường nội địa theo nguyên tắc hàng hóa đáp ứng điều kiện xuất xứ nào thì áp dụng theo mức thuế suất tương ứng với loại xuất xứ đó.
Cụ thể: Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy định về thuế suất thông thường cũng được sửa đổi, bổ sung. Luật hiện hành quy định thuế suất thông thường không quá 70% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng do Chính phủ quy định.
Công chức quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền
Pháp lệnh Quản lý thị trường, có hiệu lực từ 1/9, quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường.
Pháp lệnh quy định công chức quản lý thị trường không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.
Công chức quản lý thị trường cũng không được cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho một số trường hợp
Có hiệu lực từ ngày 1/9, hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng thì đối tượng là người có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng được điều chỉnh như sau:
Đối với người có mức lương hưu dưới và trên 1,75 triệu đồng/tháng, mức lương hưu sau điều chỉnh lên 2 triệu đồng/tháng.
Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp dưới và trên 1,85 triệu đồng/tháng cũng sẽ được điều chỉnh lên 2 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Thông tư 23 còn hướng dẫn cách tính lương hưu tăng thêm đối với: Người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 1/5/2016. Cán bộ, công chức , công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong giai đoạn từ ngày 01/1/2015 đến trước ngày 01/5/2016; Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở.
Quy định thu và quản lý phí đường bộ ở một số trạm thu phí
Từ ngày 3/9, một số thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc thu và quản lý phí sử dụng đường bộ có hiệu lực.
Thông tư 121 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km2123 250 quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng
Thông tư 122 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km2171 200 quốc lộ 1, tỉnh Bạc Liêu.
Thông tư 123 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Yên Lệnh quốc lộ 38 (nối 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam).
Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/07/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ 01/9/2016.
Theo đó, mức hỗ trợ mới đối với các đối tượng được hưởng chính sách nêu trên như sau:
Hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh, tiền nhà bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh nếu phải tự túc chỗ ở và 15kg gạo/tháng/học sinh (các mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh).
Trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh.
Xếp lương giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư
Nghị định 117/2016/NĐ-CP ngày 21/07/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ 15/9/2016.
Trong đó, đối với viên chức đang xếp lương ở chức danh giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư thì được thực hiện xếp lương như sau: Trường hợp chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được xếp lên 1 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ; trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 3 năm (36 tháng) để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Để phân bón dưới nền nhà bị phạt đến 3 triệu đồng
Theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016 có hiệu lực từ 15/9/2016, hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.
Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng với hành vi kinh doanh sản xuất mà xếp, để sản phẩm phân bón lẫn với nguyên liệu sản xuất tại nhà xưởng sản xuất phân bón hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh.
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô
Có hiệu lực từ ngày 15/9/2016, Nghị định 118/2016/NĐ-CP ngày 22/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29/4/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, trong đó bổ sung điều kiện hoạt động và cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()