Một số biện pháp canh tác rải vụ: Tăng lợi ích cho người trồng na
– Áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác rải vụ na như: cưỡng bức cắt tỉa cành, tuốt lá cưỡng bức; sử dụng vật liệu giữ ẩm; sử dụng chất điều tiết giữ ẩm không chỉ giúp cây na có đủ chất dinh dưỡng để phát triển và nuôi quả mà còn kéo dài thời gian thu hoạch. Từ đó, giúp nông dân giảm gánh nặng trong khâu tiêu thụ và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng, toàn huyện có khoảng 1.900 ha na, trong đó, khoảng 1.600 ha đang cho thu hoạch, sản lượng 16.500 tấn/năm với giá bán dao động từ 20.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, mỗi năm giá trị kinh tế từ na mang lại khoảng 500 tỷ đồng. Nghề trồng na đã tạo việc làm cho hơn 3.500 hộ dân tại 8 xã trên địa bàn huyện. Thực tế cho thấy: những năm gần đây, diện tích na được mở rộng nhưng lại thiếu bền vững về hiệu quả kinh tế. Nguyên nhân là do thời vụ thu hoạch na ngắn, chỉ tập trung trong khoảng 1 đến 1,5 tháng (cuối tháng 8 đầu tháng 9), chưa có nhiều giống na khác nhau…
Nông dân Chi Lăng chăm sóc na
Anh Vũ Văn Nhân, kỹ sư Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, các công trình nghiên cứu khoa học đối với cây na chỉ dừng lại ở việc giải quyết một số khâu kỹ thuật trong sản xuất. Việc nghiên cứu rải vụ đã được một số nông dân triển khai nhưng chưa bài bản, chủ yếu là theo kinh nghiệm cá nhân nên không áp dụng được trên diện rộng. Chính vì vậy, từ tháng 9/2017 đến tháng 3/2021, tôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài đưa ra mục tiêu là xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác rải vụ na phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương; xây dựng mô hình canh tác rải vụ na có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế phù hợp với sản xuất tại Chi Lăng; tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng na tại Chi Lăng…
Để kéo dài thời gian thu hoạch quả na, kỹ sư Nhân đã nghiên cứu, thực hiện 8 mô hình sản xuất na rải vụ với diện tích 3 ha tại xã Chi Lăng. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, tác giả đã đề xuất các giải pháp như: cắt tỉa cành, tuốt lá cưỡng bức; sử dụng vật liệu giữ ẩm; sử dụng chất điều tiết giữ ẩm. Thời vụ cắt tỉa cành, tuốt lá cưỡng bức được triển khai ở 4 ngưỡng thời gian khác nhau từ ngày 15/7 đến ngày 10/8 để tạo ra 2 vụ thu hoạch quả kéo dài từ 2 đến 4 tháng. Cách làm này cho thu quả rải vụ từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 12; quả chính vụ thu hoạch từ ngày 8/8 đến ngày 28/8. Với cách làm này, năng suất na rải vụ tăng từ 79,3% đến 83,6% so với không thâm canh rải vụ. Phương pháp này còn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến để giữ độ ẩm cho đất tại các vùng trồng na không chủ động được nước tưới. Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng chất điều tiết sinh trưởng (kết hợp các loại phân vi lượng bón qua lá), phân vi lượng Atonik… giúp quả ngọt, mẫu mã đẹp và năng suất thực thu cao hơn đối chứng từ 5 đến 6 kg/cây.
Ông Lành Văn Xoan, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Gia đình tôi tham gia đề tài từ năm 2019 với diện tích 0,5 ha với số lượng 250 cây từ 7 đến 8 năm tuổi trồng trên đất bãi. Sau khi gia đình tôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn, vườn na cho thu hoạch 2 vụ quả/cây/năm. Giá bán trung bình vụ 1 là 30.000 đồng/kg, vụ 2 là 35.000 đồng/kg. Doanh thu 2 vụ khoảng 170 triệu đồng, trừ các chi phí thì lợi nhuận còn lại khoảng 130 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng na 1 vụ chính. Hiện gia đình tôi tiếp tục canh tác na rải vụ theo hướng dẫn.
Sau khi áp dụng thành công các biện pháp rải vụ na, Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 nông dân tại các xã. Trong tháng 5/2021, đề tài đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đạt. Trên địa bàn huyện Chi Lăng, na chủ yếu được trồng trên núi đá dốc, hiểm trở, đất thường bị rửa trôi xói mòn mạnh, nhanh bạc màu. Các biện pháp kỹ thuật đồng bộ nêu trên làm tăng độ phì của đất, giúp cây sinh trưởng tốt, từ đó, tăng năng suất, chất lượng, kéo dài thời gian thu hoạch và tăng tuổi thọ của cây
Ý kiến ()