Một phụ nữ biết cách làm giàu
Trước đây, giống như bao gia đình nông dân miền núi khác chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng cạn nên vất vả mà vẫn thiếu thốn đủ bề. Năm 1999 gia đình chị Hiền chuyển vào miền Nam sinh sống với hy vọng tìm một cuộc sống mới. Sau gần 2 năm nếm trải bao cực khổ nơi đất khách quê người mà vẫn không khấm khá hơn, vợ chồng chị quyết định trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Về quê, chị bắt đầu vay vốn ngân hàng mua 40 con lợn giống. Thời điểm đó việc vay vốn ngân hàng để nuôi 40 con lợn giống là khá mạo hiểm, thế nhưng may mắn đã không mỉm cười với sự mạnh dạn của vợ chồng chị khi 2 lần liên tiếp đàn lợn 80 con của chị chết toàn bộ vì dịch lở mồm long móng. Mất trắng cả vốn lẫn lãi, lại mang thêm món tiền nợ ngân hàng khá lớn nhưng không vì thế mà nản chí, chị lại tiếp tục vay vốn để nuôi lợn. sau 2 lần thất bại, Chị Hiền đã đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lợn, thậm chí lặn lội đến Hà Tây để mua thuốc lở mồm long móng. Do được phòng bệnh kịp thời nên đàn lợn của chị phát triển rất tốt. Nhận thấy trong vùng còn thiếu máy xay xát nên chị mạnh dạn mua máy xay xát liên hoàn vừa để phục vụ gia đình vừa để kinh doanh. Không những chăn nuôi lợn, gia đình chị Hiền còn nấu rượu, nuôi gà và 300 con vịt siêu trứng cho khoảng 250 quả trứng/ngày. Ngoài ra chị Hiền còn kinh doanh thức ăn chăn nuôi và giống cây trồng. Để chủ động trong việc vận chuyển hàng hóa chị Hiền Tiếp tục vay vốn ngân hàng mua một chiếc xe ô tô tải và học lấy bằng lái ô tô để tự điều khiển xe. Hiện nay mỗi năm gia đình chị Hiền cung cấp cho thị trường 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 50 đến 70 con, tổng thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp trên 150 triệu đồng/năm. Không chỉ nghĩ cách làm giàu cho gia đình mình, chị Hiền còn tạo điều kiện cho bà con nông dân quanh vùng mua thức ăn chăn nuôi trả chậm nên được bà con gần xa quý mến. Chị Hiền 2 lần được vinh dự đại diện cho nông dân xã Vĩnh Lại tham dự đại hội nông dân làm kinh tế giỏi của tỉnh. Chị Đổng Thu Hiền xứng đáng là một tấm gương phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình kinh tế tổng hợp để bà con nông dân gần xa học tập.
Ý kiến ()