Một nông trường làm ăn hiệu quả
Trong khi nhiều nông trường quốc doanh còn đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp thì nhiều năm liền, Nông trường Cao Phong (Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong), tỉnh Hòa Bình trở thành doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả với thương hiệu nông sản nổi tiếng Cam Cao Phong...
Ðược thành lập cách đây 20 năm, tiền thân là Nông trường Cao Phong, rồi Công ty rau quả Cao Phong và bây giờ là Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong với 957,6 ha đất tự nhiên, trong đó đất trồng cây lâu năm là 406,96 ha, đất trồng cây hằng năm là 191,61 ha, đất chuyên dùng là 64,97 ha. So với các nông trường Sông Bôi, Thanh Hà, đất của Cao Phong chỉ bằng một nửa. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Cao Phong bây giờ chỉ còn hơn 800 ha, sau khi trả lại cho địa phương hơn 200 ha đất sản xuất để phục vụ mục đích khác. Vậy mà, trên diện tích đất hẹp ấy, mỗi năm đã cho nông trường thu nhập hàng chục tỷ đồng nhờ trồng các loại cam chất lượng cao, được nhiều người kinh doanh và tiêu dùng trong cả nước tìm đến.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Ánh cho biết, ngay từ năm 1990, nông trường đã mạnh dạn áp dụng cơ chế khoán cho các hộ gia đình. Thời điểm đó, không ít các hộ đang quen nếp sống bao cấp tỏ ra lo lắng, thậm chí đùn đẩy không chịu nhận khoán. Do vậy, tỷ lệ các hộ nhận khoán thời điểm này mới chỉ đạt khoảng 70%. Lúc ấy, cam chưa phải là giống cây chủ lực. Sau một thời gian trồng nhiều loại cây khác nhau, trong đó có cam, nhiều hộ đã nhận ra được giá trị của cây cam sau một thời gian lựa chọn và cái lý của công tác khoán hộ cũng bắt đầu có vị trí trong các hộ gia đình và công nhân nông trường.
Từ đó đến nay, cơ chế khoán đã làm Cao Phong thay da, đổi thịt bằng chính thu nhập cao của nhiều hộ gia đình của nông trường. Lãnh đạo Công ty nhận thấy giá trị của cây cam, đã kiên quyết đưa giống những cây cam quý vào trồng. Lúc đầu chỉ phát triển trồng được 200 ha, hai năm sau, diện tích trồng cam đã tăng lên hơn 350 ha. Bên cạnh cây cam chủ lực, nông trường vẫn không ngừng nâng cao chất lượng các nông sản khác như cây mía, ngô, bưởi, sắn… Tuy vậy, so sánh năng suất, hiệu quả trồng trọt, sức tiêu thụ sản phẩm mọi cây trồng khác đều không hiệu quả bằng cây cam, nên hầu hết các công nhân nông trường và các hộ gia đình giờ đây đều chuyển sang chuyên canh cây cam. Nhờ trồng cam đạt năng suất cao, chất lượng tốt nên Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong đã được đánh giá là một mô hình doanh nghiệp nông nghiệp làm ăn hiệu quả của tỉnh Hòa Bình.
Là một doanh nghiệp nông nghiệp, song tư liệu sản xuất quan trọng nhất của Cao Phong là đất đai lại quá ít. Hiện nay, doanh nghiệp có 250 cán bộ, công nhân viên và hơn 100 hộ nhận khoán với tổng diện tích đất chuyên canh cây cam là 600 ha, hơn 100 ha đất trồng mía, còn lại là diện tích mặt nước và trụ sở doanh nghiệp. Trong số diện tích dùng để trồng cam, có hơn một nửa dùng để trồng cam đặc sản, như các giống cam sành, cam V2, cam xã Ðoài, cam Canh, cam Vinh, cam Bố Hạ, cam Bạ, quýt Bắc Sơn, quýt Châu… Cam Cao Phong truyền thống có nguồn gốc từ cam xã Ðoài, thuộc tỉnh Nghệ An, được mang về trồng từ năm 1960. Qua một thời gian, giống cam này đã thích nghi với môi trường và thổ nhưỡng ở đây, cho năng suất cao, chất lượng tốt nên đã được người dân nơi đây “níu chân” giữ lại và đã trở thành cây đặc sản có thế mạnh như bây giờ. Năm 2012, toàn nông trường thu hoạch được 13 nghìn tấn cam các loại, với năng suất bình quân từ 300 đến 400 triệu đồng/ha. Riêng cam Canh cho giá trị từ 700 đến 800 triệu đồng/ha, một số hộ gia đình thu nhập hơn một tỷ đồng/ha trồng cam. Thời điểm thu hoạch cam vào tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, tùy theo giống và thời vụ trồng cam.
Chuyện công nhân nông nghiệp trở thành tỷ phú ở Cao Phong bây giờ không còn là chuyện hiếm nữa. Nhiều hộ gia đình mỗi năm có doanh thu hơn một tỷ đồng từ bán cam, không ít người đã xây nhà kiên cố, sắm ô-tô… Có tiền từ cam, dùng tiền đó đầu tư khoa học, kỹ thuật, cây giống phục vụ, chăm sóc trở lại nên cam Cao Phong ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng. Ðến “đất cam” hỏi các tên anh Ðặng Tiến Học ở thị trấn Cao Phong; anh Ðinh Công Bình, công nhân đội 7, Nông trường Cao Phong; ông Tạ Ðình Ðào khu 5B, thị trấn Cao Phong; Nguyễn Thị Thu đội 7, Nông trường Cao Phong; ông Nguyễn Hồng Lâm khu 8, Bùi Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong… ai cũng biết họ là những người biết cách làm giàu từ trồng cam, trong số đó hiện nay có người đã trở thành tỷ phú.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Ðắc Hùng cho biết, cây cam đã được huyện Cao Phong xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn, cho năng suất cao. Ðịa phương đang tích cực chỉ đạo, hỗ trợ người dân trồng cam theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học – công nghệ, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời xây dựng “chỉ dẫn địa lý” cho thương hiệu cam Cao Phong, nhằm tạo chiến lược phát triển bền vững, ổn định có tính cạnh tranh cao.
Chia tay những người trồng cam Cao Phong, chúng tôi cứ thấy canh cánh trong lòng về câu chuyện đổi mới, chuyển đổi, sắp xếp mô hình sản xuất tại các nông, lâm trường quốc doanh hiện nay vẫn chưa có lời giải. Trong khi đó, ở Cao Phong, một gia đình công nhân nông trường có thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm trên một diện tích đất được giao khoán rất hạn hẹp. Ðất Cao Phong không phải tốt mà có lẽ phù hợp với giống cây người dân đã sàng lọc, lựa chọn. Ðiều này chứng tỏ ở đâu có cơ chế quản lý phù hợp, lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, người dân biết vươn lên thì làm giàu không khó.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()