LSO-Dám nghĩ, dám làm, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, để rồi không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân mà còn giúp đỡ hỗ trợ cho mọi người làm theo. Đó là anh Nông Văn Lợi sinh năm 1968, dân tộc Nùng, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng.
|
Phát triển kinh tế vườn, rừng thế mạnh kinh tế nông nghiệp Chi Lăng – Ảnh: Tư liệu |
Anh tâm sự, sinh ra trong một gia đình đông anh em, trước những năm 1990 kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, ruộng chỉ có 1,5 mẫu, làm 1 vụ bấp bênh, những năm nắng hạn mất mùa phải đi mua lương thực đến 5-6 tháng. Thời kỳ đó, bản thân đã có ý định chuyển gia đình vào miền Nam làm ăn sinh sống nhưng khi đi khảo sát thực tế về, được anh em, bạn bè tham gia nhiều ý kiến nên anh quyết định ở lại tìm cách phát triển trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh đã mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế ở nhiều nơi, khi đến huyện Chi Lăng, anh nhận thấy nhân dân trồng cây na dai phát triển tốt, cho thu nhập cao và đặc biệt rất phù hợp với chất đất của núi đá vôi nơi anh đang ở. Do vậy anh quyết định bàn với gia đình và dành toàn bộ đất trồng ngô (1,5 mẫu) chuyển sang trồng na dai được 100 cây. Đến năm 1993 lứa na đầu tiên cho thu hoạch 1,5 triệu đồng, thấy cây na dai trồng có kinh tế cao, anh quyết định bán hết trâu, đầu tư mở rộng trồng na lên vàn núi đá và mua thêm đất để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh đã có trên 3,5 ha cây na cho thu hoạch. Thu nhập từ cây na tăng hàng năm, như năm 2007 gia đình anh thu hoạch được 150 triệu đồng thì đến năm 2009 thu trên 300 triệu đồng và vụ na năm nay (2010) cho thu nhập khoảng 450-500 triệu đồng, tạo việc làm cho từ 15-20 người trong những thời điểm chăm sóc và thu hái. Song song với việc trồng và phát triển cây na, vấn đề tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng được anh đặc biệt quan tâm, tìm hiểu. Bởi, trong sản xuất na thì vấn đề như đầu tư lượng phân bón lớn, phun thuốc trừ sâu định kỳ, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đã phức tạp thì khâu tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do tư thương ép giá. Vì vậy anh đã quyết định về Hà Nội tìm hiểu và thuê một gian hàng ở chợ Long Biên (Hà Nội) để bán. Chất lượng na tốt, mẫu mã đẹp nên đã từng bước chiếm lĩnh được thị trường Hà Nội, được mọi người tin dùng. Đặc biệt từ năm 2006, gia đình anh đã áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho cây na, cho quả na đẹp và bán ra thị trường được giá cao, đến nay kỹ thuật thụ phấn cho này đã được các hộ trồng na học tập và làm theo đạt kết quả rất cao. Ngoài trồng na, gia đình anh còn đầu tư nuôi 4 đôi nhím trị giá trên 30 triệu đồng, trồng được trên 4.000 cây keo, bạch đàn và 40 cây xoài, gần 100 cây hồng đã cho thu hoạch.
Từ một vùng đất núi đá vôi khô cằn, đời sống nhân dân khó khăn vất vả, bản thân anh xuất thân từ một gia đình nghèo khó, nhờ ý chí vươn lên, sáng tạo ham học hỏi và sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đến nay gia đình anh đã đầu tư xây dựng được 1 ngôi nhà 2 tầng, mua sắm được các tiện nghi trong gia đình và phương tiện phục vụ sản xuất như 3 xe máy, 1 ô tô tải trị giá 250 triệu, 1 máy cày, … các con đều được học hành đến nơi đến chốn, không có con em “dính” vào các tệ nạn xã hội. Từ những thành quả đạt được, năm 2007, anh vinh dự được Hội Nông dân tỉnh cử đi dự hội nghị những người sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc. Qua hội nghị anh học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm và bản thân tự nghĩ rằng mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để làm ra nhiều của cải vật chất cho gia đình và xã hội, có trách nhiệm hơn nữa để hỗ trợ giúp đỡ những gia đình còn gặp nhiều khó khăn vươn lên cùng nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp, hạnh phúc.
Ý kiến ()