Một Nhà xuất bản đặc biệt
Tháng 6 này, tháng của thiếu nhi, cũng là tháng kỷ niệm thành lập của một nhà xuất bản thật đặc biệt, mà ai trong đời cũng từng có một thời gian mê đắm với những cuốn sách của họ. Nhà xuất bản ấy đi cùng tuổi thơ của rất nhiều thế hệ, từ trong chiến tranh đến tận bây giờ, và vẫn đang tiếp tục hành trình ấy. Đó là Nhà xuất bản Kim Đồng, năm nay bước vào tuổi 65, tráng kiện và tràn đầy nhiệt huyết.
Tuổi thơ của nhiều người ắt hẳn cũng đã có không ít nhiều gắn bó với những cuốn sách giấy đen còn lộm cộm vụn bột giấy, thi thoảng còn dính lại đôi cọng rơm mảnh hoặc chiếc vỏ trấu trên trang sách, nhưng nội dung thì vô cùng hấp dẫn, mở ra cả một thế giới thú vị. Đó là những cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng trong ký ức của rất nhiều người, từ thế hệ nằm hầm tránh bom, thế hệ ăn cơm độn khoai, bo bo, cho đến thế hệ nhảy dây, bắn bi, chơi gảy chun…
Hành trình 65 năm ấy là một hành trình bền bỉ và đầy ắp yêu thương. Tháng 7/1957, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức ra đời với 8 ấn phẩm đầu tiên gồm tập truyện cổ tích “An Dương Vương xây thành ốc” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tập thơ “Em thích em yêu” của nhà thơ Phạm Hổ, truyện “Tính ác” của Tô Hoài, truyện “Lớp học của anh bồ câu trắng” của Tống Ngọc, truyện cổ “Ông thần núi” của Trần Kim và Đào Thân, “Trò chơi khoa học” tập 1 phỏng theo “Tom Tít” của nhà thơ Phan Huỳnh Điểu, “Trên tinh cầu khác có loài vật không” của Quách Chính Nghị, do Phạm Sinh dịch.
Từ 8 tập sách đầu tiên ấy, đến nay Kim Đồng đã trở thành nhà xuất bản hàng đầu trong lĩnh vực sách thiếu nhi, với mỗi năm hàng trăm đầu sách đủ thể loại, dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau.
Kim Đồng cũng là nơi hội tụ nhiều cây bút tên tuổi, từ những tác giả tên tuổi thế hệ đầu tiên như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa…, cho đến những cây bút trẻ trung, sung sức và đầy ắp những ý tưởng mới mẻ của thời hiện tại. Kim Đồng còn là ngôi nhà chung của nhiều thế hệ họa sĩ, mà mỗi bức vẽ trong những cuốn sách không chỉ đơn thuần là tranh minh họa, mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đầy tâm huyết và tình yêu trẻ thơ của họ. Từ các họa sĩ như Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Tạ Thúc Bình… cho đến các họa sĩ trẻ bây giờ như Tạ Duy Long, Kim Duẩn, Hồng Anh…
Kỷ niệm 65 năm thành lập (17/6/1957-17/6/2022) cũng là dịp Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt hàng loạt ấn phẩm đặc biệt, trong đó có cả ấn phẩm của các tác giả tên tuổi, gắn bó lâu năm với nhà xuất bản từ thủa còn là độc giả nhỏ tuổi, cho đến khi trưởng thành, trở thành cộng tác viên, tác giả thân thiết. Đối với họ, những ấn tượng đầu tiên về sách Kim Đồng, những kỷ niệm với Kim Đồng luôn là một phần trang trọng trong cuộc đời mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Sách Kim Đồng đã đi cùng với gia đình tôi qua nhiều năm tháng, qua nhiều thế hệ. Tuổi thơ tôi biết đến những cuốn sách Kim Đồng từ trong chiến tranh. Tôi phải cảm ơn những người bạn đồng niên về quê sơ tán, họ từ Hà Nội đi mang theo những cuốn sách Kim Đồng. Những năm tháng chiến tranh, khi các bạn đã ngủ, chúng tôi lại mượn tạm sách để đọc. Sách của những năm tháng chiến tranh thô sơ đơn giản, nhưng chúng tôi như được chạm vào một thế giới kỳ bí đối với một đứa trẻ. Ra nước ngoài, những năm sau đó, tôi nhìn những tủ sách của trẻ em ở nước ngoài và thầm mong không biết bao giờ Việt Nam mới có được những cuốn sách đẹp như vậy. Nhưng bây giờ, Nhà xuất bản Kim Đồng đã làm được. Chưa bao giờ ở Việt Nam sách thiếu nhi lại đẹp ngang với sách nước ngoài như bây giờ. Bây giờ, rất nhiều cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng đã hoàn thiện nhất trong mọi ý nghĩa là một cuốn sách cho một đứa trẻ”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chia sẻ, ông viết sách cho trẻ em được 5-6 năm rồi, bắt đầu từ những gợi ý đầu tiên của Kim Đồng. Và đến nay trong gia đình ông, đã có nhiều thế hệ đọc và gắn bó với Km Đồng.
Cũng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Cao Xuân Sơn gắn bó với Kim Đồng ở cả thời thơ ấu và khi đã trưởng thành. Ông cho biết, mình gắn bó với Kim Đồng tròn 20 năm 6 tháng, “hơn nửa đời viên chức của tôi”, ngoài ra với sách Kim Đồng cả là tuổi thơ của mình.
“Tôi thở hơi thở chữ nghĩa từ sách Kim Đồng, đọc những chữ đầu tiên là sách Kim Đồng. Sách Kim Đồng chưa bao giờ rời khỏi tâm tư của tôi. Lứa tuổi của tôi lớn lên trong những vần thơ của Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Thi… Khoảng thời gian đó, chúng tôi trong veo như những tờ giấy trắng, ngoài những lời ru của mẹ, của bà, còn là những vần thơ của Kim Đồng” – nhà thơ chia sẻ.
Nhà xuất bản Kim Đồng còn là nơi chắp cánh cho ước mơ của những tác giả trẻ trở thành hiện thực. Nhiều cây bút, dịch giả đã tìm thấy ở Kim Đồng những hướng đi chắc chắn và rõ ràng cho sự nghiệp cầm bút của mình. Nhà văn Đoàn Phương Huyền, người tham gia tủ sách Văn học tuổi mới lớn chia sẻ, những năm trước chị cùng nhiều nhà văn khác như Võ Thị Thu Thương… đã chập chững bước những bước đi đầu tiên, và đã không ngờ tác phẩm của mình được in trong Tủ sách tuổi mới lớn của Kim Đồng. “Đó là một động lực rất lớn giúp tôi tin rằng mình có thể viết, có thể đi một chặng đường dài với văn chương. Với những tác giả mới chập chững vào nghề ngày đó, đây là một sự biết ơn bởi vì đó là những tác phẩm chưa hoàn thiện nhưng đã có sự nâng đỡ, khích lệ” – chị nói.
Tương tự, dịch giả Nguyễn Xuân Hồng (người dịch tác phẩm kinh điển “Kim”) cho biết, cuốn sách đầu tiên anh dịch khi còn đang học đại học là dịch cho Kim Đồng (năm 1996). “Khi đó tôi dịch theo sở thích, và mong bản dịch của mình được thẩm định, đánh giá. Tôi ôm bản thảo bằng tập giấy 5 hào 2 viết tay mang lên Kim Đồng và đã được đón nhận. Khi đó, các cô Ngọc Thanh, chú Bùi Việt Bắc, chú Huy Thắng đã nhận bản thảo của tôi, sau đó sửa rất kỹ. Sau này, vì một số lý do, 8 năm sau, bản thảo này mới được in”. Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ, cho đến nay, anh có hơn 100 đầu sách, trong đó 26 cuốn là in với Kim Đồng.
Có thể nói, Kim Đồng là một nhà xuất bản đặc biệt, gắn bó với tuổi thơ của gần như mọi thế hệ. 65 năm đã qua, Kim Đồng đã mang một diện mạo mới, nhưng tình yêu của các thế hệ, đặc biệt là của thiếu nhi dành cho Kim Đồng, thì vẫn không hề thay đổi.
Ý kiến ()