Một "mùa xuân A-rập" lại đến với Ai Cập?
Tình hình Ai Cập đang diễn biến hết sức căng thẳng, có nguy cơ tái diễn làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền Mu-ba-rắc cách đây hai năm. Mặc dù Tổng thống Ai Cập đã phải "chìa cành ô-liu" cho phe đối lập với lời mời tham gia đối thoại dân tộc, song một lần nữa, lại bị từ chối ngay lập tức. Biểu tình, bạo loạn gây nhiều thương vong đang đẩy đất nước Bắc Phi này đến bờ vực nguy hiểm.Cuộc khủng hoảng chính trị Ai Cập bị đẩy lên cao trào khi các cuộc biểu tình quy mô lớn và bạo loạn kéo dài nhằm phản đối việc Tổng thống Mo-xi liên tiếp có những động thái thâu tóm quyền lực. Bằng việc ra một sắc lệnh ngày 22-11 năm ngoái, Tổng thống Mo-xi đã cấm mọi công cụ pháp lý chống lại các quyết định của ông. Một dự thảo hiến pháp có lợi cho phe đa số Anh em Hồi giáo tại QH cũng đã được thông qua và giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân sau đó. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những "mồi lửa" thổi bùng các cuộc...
Cuộc khủng hoảng chính trị Ai Cập bị đẩy lên cao trào khi các cuộc biểu tình quy mô lớn và bạo loạn kéo dài nhằm phản đối việc Tổng thống Mo-xi liên tiếp có những động thái thâu tóm quyền lực. Bằng việc ra một sắc lệnh ngày 22-11 năm ngoái, Tổng thống Mo-xi đã cấm mọi công cụ pháp lý chống lại các quyết định của ông. Một dự thảo hiến pháp có lợi cho phe đa số Anh em Hồi giáo tại QH cũng đã được thông qua và giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân sau đó. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những “mồi lửa” thổi bùng các cuộc biểu tình dữ dội của phe đối lập. Hàng loạt cuộc biểu tình như vũ bão quét qua Thủ đô Cai-rô và nhiều thành phố lớn khác trong tuần qua làm hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Người biểu tình vượt qua cả các hàng rào thép gai và những bức tường bê-tông được dựng trên các tuyến đường dẫn tới dinh tổng thống. Họ nói rằng “cuộc cách mạng” đang trở lại Ai Cập. Bạo lực ở Ai Cập đã buộc Đại sứ quán Ca-na-đa, Anh và Bỉ phải tạm thời đóng cửa, Đại sứ quán Mỹ ngừng mọi hoạt động.
Tình hình căng thẳng buộc Tổng thống Mo-xi phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng và lệnh giới nghiêm ở một số thành phố. Hội đồng Shura (Thượng viện) cũng thông qua dự luật cho phép triển khai lực lượng vũ trang trên đường phố để sẵn sàng đối phó nếu bạo lực gia tăng. Tuy nhiên, hàng nghìn người biểu tình vẫn thách thức lệnh giới nghiêm để xuống đường đòi chính quyền Hồi giáo từ chức. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập A.Ph.An Xi-xi cũng cho rằng, các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh ở Ai Cập đang đe dọa sự ổn định của nước này, thậm chí có thể dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước. Lời cảnh báo đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước Kim tự tháp bị đe dọa nghiêm trọng bởi khủng hoảng chính trị kéo dài.
Trong hai năm qua, Ai Cập đã chứng kiến số các cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử. Các cuộc đụng độ đẫm máu đang ngày càng khoét sâu rạn nứt giữa phe ủng hộ và chống đối Tổng thống Mo-xi. Phe đối lập bày tỏ sự phẫn nộ trước những đòi hỏi cơ bản về điều kiện sống, tự do, công bằng xã hội của họ chưa được đáp ứng. Lo ngại nguy cơ để đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, Tổng thống M.Mo-xi đã buộc phải mời phe đối lập đối thoại. Tuy nhiên, bất chấp sự nhượng bộ của Tổng thống, khối đối lập chính Mặt trận Cứu quốc (NSF) đã bác bỏ đề nghị này, đồng thời đưa ra những điều kiện tiên quyết, trong đó đòi sửa đổi hiến pháp, lập một chính phủ bảo hộ quốc gia, cách chức Trưởng công tố hiện nay và đưa phong trào Anh em Hồi giáo vào khuôn khổ pháp luật hơn. Những điều kiện này được xem là “không tưởng” và báo trước nguy cơ chia rẽ giữa các phe phái sẽ còn kéo dài. Mặc dù Tổng thống Ai Cập tuyên bố nước này đang chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử QH trong khoảng ba, bốn tháng tới, phe đối lập chính tại Ai Cập dọa sẽ tẩy chay bầu cử nếu không tìm ra một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng.
Những diễn biến ở Ai Cập gây lo ngại sẽ tái diễn làn sóng biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Mu-ba-rắc đầu năm 2011. Sự lên “như diều gặp gió” của Anh em Hồi giáo và sự tức tốc thâu tóm quyền lực ngay sau khi lên nắm quyền của Tổng thống Mo-xi gây phẫn nộ trong phe đối lập. Trong khi đó, cơn bão “Mùa xuân A-rập” đã tàn phá nền kinh tế Ai Cập. Đất nước từng có một thời hoàng kim và là một trong những nền kinh tế mạnh ở khu vực Bắc Phi này đang phải vật lộn với khó khăn chồng chất khi dự trữ ngoại tệ giảm thê thảm, còn khoảng 15 tỷ USD, chỉ đủ cho ba tháng nhập khẩu. Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đặt con thuyền của Tổng thống Mo-xi trước phong ba bão táp khi một “Mùa xuân A-rập” nữa đang đến rất gần với nước này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()