Thứ 4, 05/02/2025 18:51 [(GMT +7)]
Một mùa thi vắng những điểm cao
Thứ 5, 05/08/2010 | 10:35:00 [(GMT +7)] A A
Ngày 31-7, thời điểm cuối cùng các trường đại học phải hoàn thành công tác chấm thi và công bố điểm đã qua. Đến nay, toàn bộ các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh đã công bố điểm thi. Tuy nhiên, nằm ngoài dự kiến của nhiều người, điểm thi tuyển sinh đại học năm nay khá thấp…
Điểm thi thấp ở hầu hết các trường
Chiều 27-7, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi hàng năm thường tập trung rất nhiều thí sinh xuất sắc của các tỉnh phía bắc đã công bố điểm thi. Năm nay, trường không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối. Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, mặt bằng điểm thi của trường thấp hơn năm 2009 nên điểm chuẩn dự kiến của các ngành sẽ thấp hơn. Thống kê cho thấy trường có khoảng 2.400 thí sinh đạt tổng điểm ba môn từ 20 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên). Số bài thi được điểm tuyệt đối của trường năm nay ít hơn hẳn: môn toán có bốn điểm 10, môn hóa có 12 điểm 10, riêng môn vật lý không có điểm tuyệt đối nào. Tương tự, trong hơn 16.000 bài thi môn toán khối A được chấm xong tại Học viện Ngân hàng, chỉ có một vài bài thi đạt điểm 10, số bài thi đạt điểm 7, 8, 9 cũng rất ít. Chỉ có khoảng 50% số điểm thi môn toán đạt điểm trên trung bình. Với kết quả như vậy, dự đoán mức điểm năm nay của các thí sinh dự thi vào trường sẽ thấp hơn năm 2009. Kết quả sơ bộ sau khi hoàn tất công việc chấm thi khối A tại Trường ĐH Thủy lợi cũng cho thấy điểm thi năm nay không cao, không có điểm tuyệt đối, các bài thi đạt điểm 8, 9 chiếm 5%, điểm 5 chiếm 30%…
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2), trong tổng số gần 3.700 thí sinh dự thi, nếu tính tổng điểm ba môn thi từ 13 trở lên (bằng điểm sàn thấp khối A năm 2009) chỉ có 874 thí sinh đạt được, trong khi năm nay trường này tuyển đến 1.200 chỉ tiêu. Tại ĐH Quảng Nam, với 4.833 thí sinh dự thi, cũng chỉ có 292 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Điểm thi của thí sinh tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng không cao. Khối A có một thí sinh 25,5 điểm. Cả ba môn thi không có thí sinh nào đạt điểm 10. Khối B có một thí sinh đạt điểm cao nhất là 17,5 điểm. Khối D1 điểm thi cao nhất là 20,5 điểm. Khối V có một thí sinh đạt điểm cao nhất là 21 điểm. Có những ngành, điểm thi của thí sinh rất thấp. Như ngành Cơ tin kỹ thuật chỉ có 24 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu ngành này là 60. Căn cứ theo điểm chuẩn năm 2009 chỉ có bốn thí sinh đạt 14 điểm. Ngành Công nghệ điện tự động chỉ có 60 thí sinh đạt từ 14 điểm trở lên trong khi chỉ tiêu là 110 thí sinh…
Theo nhận định từ các chuyên gia tuyển sinh, do mặt bằng điểm thi năm nay thấp nên sẽ có rất nhiều trường công lập do không tuyển đủ thí sinh nguyện vọng một sẽ tập trung tính đến phương án xét tuyển nguyện vọng hai, ba. Thậm chí, nhiều trường ở dạng “top”, những năm trước nguồn tuyển rất dồi dào, năm nay cũng sẽ phải tính toán đến việc tuyển tương đối nhiều chỉ tiêu nguyện vọng hai mới may ra đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc định ra điểm tuyển nguyện vọng hai không phải muốn lấy bao nhiêu điểm là lấy, mà quan trọng nhất phải bảo đảm chất lượng yêu cầu đầu vào để đào tạo, đồng thời phải xem có đủ nguồn tuyển hay không. Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính-viễn thông Lê Hữu Lập cho biết, ở những bài thi khối A đã chấm ngoài môn toán mặt bằng chung điểm khá thấp, chỉ 40% bài môn lý, 30% bài môn hóa đạt 5 điểm trở lên. Mức điểm năm nay của thí sinh vì vậy chỉ tập trung vào mức 13 đến 14 điểm, điều này sẽ khiến nhà trường gặp khó khăn xét tuyển. Những năm trước, học viện lấy mức điểm nguyện vọng hai cho những thí sinh đạt mức 16-18 điểm, nhưng với thực tế điểm thi năm nay xem ra cũng rất khó tuyển nguyện vọng hai… Thầy Phan Văn Soát, phụ trách tuyển sinh của Học viện Công nghệ bưu chính-viễn thông (cơ sở 2), cũng không khỏi băn khoăn khi nhận định về tình hình tuyển sinh năm nay: “Nếu lấy điểm nguyện vọng hai cao thì sẽ không có đủ số lượng thí sinh vào. Nhưng nếu hạ xuống để tuyển đủ thì mức điểm sẽ quá thấp. Vì vậy chúng tôi không biết tính sao”.
Nỗi lo của các trường dân lập
Khi các trường ĐH công lập lần lượt công bố điểm tuyển sinh và điểm chuẩn thì các trường ĐH ngoài công lập (chủ yếu là các trường tuyển sinh bằng xét tuyển) lại rất bối rối trước nguy cơ không tuyển được thí sinh. Những năm trước, các thí sinh có điểm thi rải đều các mức điểm từ 13 đến 15 và 18 điểm. Các trường công lập chọn khúc thí sinh có điểm từ 16 trở lên, còn lại số lượng thí sinh đạt từ 13 đến 16 điểm đổ về các trường dân lập. Nhưng với tình hình năm nay, điểm thi của thí sinh một số trường công lập dự kiến cũng chỉỨ tập trung vào mức 13-14 điểm nên ngay cả trường công lập cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn tuyển thí sinh, chứ chưa nói đến các trường dân lập. Điểm chuẩn càng thấp thì số thí sinh đạt điểm sàn rớt lại cũng sẽ ít hơn, chất lượng thí sinh trúng tuyển sẽ không như mong muốn. Nhiều trường ĐH ngoài công lập đang lo ngay ngáy vì thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (NV1) quá ít, nhiều ngành học có nguy cơ đóng cửa do không tuyển được sinh viên.
Tại Trường ĐH Hùng Vương, chỉ tiêu tuyển sinh là 1.660 nhưng chỉ có khoảng 2.000 thí sinh đăng ký NV1 vào trường. Bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng đào tạo, dự đoán trong số này có khoảng 500 thí sinh đạt điểm sàn trở lên và may lắm chỉ tuyển được 200 thí sinh. Ông Lâm Thành Hiển, Hiệu phó Trường ĐH Lạc Hồng cho biết, trong số gần 8.000 thí sinh dự thi vào trường này, dự kiến chỉ tuyển được khoảng 70% đến 80%, còn lại phải tuyển nguyện vọng hai, ba từ thí sinh có điểm thi cao hơn từ các trường khác. Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trong tổng số gần 2.000 thí sinh dự thi vào trường này thì chỉ có vài chục thí sinh đạt điểm từ 13 đến 17, còn lại là đạt dưới 13 điểm. Mức điểm khá thấp của các thí sinh dự thi khiến hầu hết các ngành (với khoảng 2.500 chỉ tiêu tuyển) đều phải tuyển nguyện vọng hai nhưng phương án tuyển ra sao, mức điểm bao nhiêu thì chưa biết thế nào. Tương tự, Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 là 1.600 nhưng số hồ sơ đăng ký NV1 chỉ có gần 1.000 bộ. Với số lượng này may lắm chỉ có vài trăm thí sinh đạt điểm sàn trở lên để có thể tham gia xét tuyển vào trường.
Thêm cơ hội thu hút sinh viên
Những năm qua, nhiều trường ĐH và CĐ đã có chương trình liên thông từ bậc CĐ hoặc TCCN lên ĐH với thời gian đào tạo từ một năm rưỡi đến bốn năm. Chương trình này nhằm tạo cơ hội cho những học sinh có thể đi “đường vòng” để tốt nghiệp ĐH. Đối tượng tuyển sinh là những sinh viên đã tốt nghiệp TCCN hệ chính quy có kinh nghiệm công tác chuyên ngành sau khi tốt nghiệp từ hai năm trở lên, học sinh tốt nghiệp khá, giỏi được miễn quy định thời gian công tác và được cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi tuyển. Trong số các trường này, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và Trường ĐH Hồng Bàng là ba trường được đào tạo liên thông thẳng từ trình độ TCCN lên ĐH.
Một số trường nghề đã tìm mọi cách thu hút sinh viên như gửi thông tin liên quan đến trường cho các thí sinh có điểm thấp trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua. Bà Thu Hà, cán bộ phụ trách tư vấn và tuyển sinh của trường Trung học Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Bằng nhiều cách, chúng tôi gửi trước giấy báo nhập học cho các em hệ phổ thông, hệ giáo dục thường xuyên nhằm giới thiệu về trường và thu hút học sinh. Giấy báo nhập học không có nghĩa là bắt buộc các em phải theo học nhưng nó là giải pháp cuối cùng cho một lượng lớn thí sinh không có khả năng học ngay ĐH-CĐ phải học con đường liên thông”.
Đầu tháng bảy vừa qua, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH đã có dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Theo đó, những người có tốt nghiệp trung cấp nghề và CĐ nghề cùng ngành đào tạo được dự thi tuyển sinh liên thông lên trình độ CĐ, ĐH với thời gian đào tạo từ 1,5 năm đến bốn năm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()