Một kênh đào tạo cán bộ y tế cho tuyến dưới
Cán bộ Bệnh viện Mắt T.Ư hướng dẫn các bác sĩ khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang kỹ thuật siêu âm. Cùng với đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thời gian qua, Bộ Y tế thực hiện việc đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ, đào tạo nâng cao năng lực y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện theo các Đề án 47/225, 930 (Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 2-4-2008; Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ). Kết quả cho thấy đây thật sự là kênh đào tạo cán bộ cho tuyến dưới rất hiệu quả.Để tăng cường việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BYT về hướng dẫn công tác đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế. Đồng thời giao nhiệm vụ đào tạo liên tục cho các đơn vị và tổ chức triển khai các cơ sở đào tạo liên tục. Ngoài các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (99 cơ sở) là các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp có các loại hình đào tạo đã được Bộ...
Cán bộ Bệnh viện Mắt T.Ư hướng dẫn các bác sĩ khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang kỹ thuật siêu âm. |
Để tăng cường việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BYT về hướng dẫn công tác đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế. Đồng thời giao nhiệm vụ đào tạo liên tục cho các đơn vị và tổ chức triển khai các cơ sở đào tạo liên tục. Ngoài các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (99 cơ sở) là các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp có các loại hình đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo điều lệ, các viện nghiên cứu, bệnh viện trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và các cơ sở y tế thuộc tỉnh được phép tổ chức thành cơ sở đào tạo liên tục dưới sự quản lý của sở y tế. Trên cơ sở mục tiêu của các đề án và xem xét năng lực của các bệnh viện tuyến trung ương; trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho học viên từ các huyện đi học, bảo đảm điều kiện thực hành và giảm thiểu chi phí đào tạo, Bộ Y tế đã giao cho các bệnh viện hạng một đào tạo cho các địa phương theo khu vực và phân vùng đào tạo (gồm các bệnh viện: Bạch Mai, Việt – Đức, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Mắt T.Ư, Đa khoa T.Ư Thái Nguyên, Đa khoa T.Ư Huế, Chợ Rẫy và Trường đại học Y Dược Cần Thơ). Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo chủ động lựa chọn địa điểm để tổ chức các khóa đào tạo tại một số địa phương có đủ điều kiện về chuyên môn và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhằm hỗ trợ cho học viên tham gia thực hành chuyên môn tốt nhất.
Để phục vụ cho hoạt động đào tạo theo Đề án 47/225 và Đề án 930, Bộ Y tế đã giao Vụ Khoa học và Đào tạo thẩm định, phê duyệt các chương trình đào tạo thuộc 11 chuyên ngành: Sản khoa; Nội khoa; Hồi sức cấp cứu; Lao và bệnh phổi; Tâm thần; Gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh; Điều dưỡng… Bên cạnh đó, nhiều chương trình đào tạo vẫn đang được tiếp tục thẩm định phê duyệt. Từ năm 2010, Bộ Y tế tiếp tục giao cho các bệnh viện đầu ngành đào tạo thêm một số chuyên khoa: Tâm thần, U bướu, Bệnh phổi và mở rộng thêm một số bệnh viện tuyến tỉnh có đủ năng lực về chuyên môn tham gia đào tạo cho Đề án như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện đa khoa TP Đà Nẵng, Xanh Pôn, Việt – Tiệp Hải Phòng… Ngoài ra chỉ đạo các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp đào tạo giảng viên, nhằm cập nhật và trang bị cho các cán bộ giảng dạy kiến thức và kỹ năng sư phạm y học, cập nhật kiến thức chuyên môn tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và giảng dạy có hiệu quả.
Theo báo cáo của 29 bệnh viện, bao gồm các bệnh viện trực thuộc được Bộ Y tế phê duyệt giao nhiệm vụ, hằng năm đã tổ chức các khóa đào tạo theo Đề án 47/225 và Đề án 930 cho thấy: Thời gian tổ chức các khóa học trung bình từ một tuần đến ba tháng/một khóa học. Số lượng học viên trung bình từ 20 đến 30 học viên/một lớp. Các khóa học hầu hết được tổ chức tại bệnh viện trực thuộc bộ, bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Gần đây, do nhu cầu địa phương, nhiều khóa học đã được tổ chức tại địa phương, như các khóa đào tạo của Bệnh viện E, Đa khoa Đống Đa tại Lai Châu, Điện Biên… Các bệnh viện tổ chức tốt hoạt động đào tạo theo Đề án 47/225 và Đề án 930 gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế; Việt Đức, Mắt Trung ương, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh, Thanh Nhàn, Xanh Pôn Hà Nội, Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng… Các bệnh viện tham gia đào tạo rất tiện lợi, vừa là cơ sở thực hành có đầy đủ máy móc, trang thiết bị và bệnh nhân là cơ sở rất tốt cho các khóa đào tạo. Bệnh viện có đội ngũ đông đảo các giáo sư, bác sĩ là nguồn giảng viên tham gia giảng dạy. Đáng chú ý, 23 bệnh viện đã được thành lập trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến đã được tăng cường về nhân viên quản lý các lớp học và các điều kiện về giảng dạy.
Sau gần sáu năm triển khai thực hiện, các đơn vị đã tổ chức được 457 lớp học cho 12.700 học viên. Đối tượng học viên tham gia các khóa đào tạo là các bác sĩ, y sĩ, y tá, kỹ thuật viên thuộc hệ thống khám, chữa bệnh. Hầu hết, các tỉnh, thành phố đều có cán bộ y tế tham gia học tập, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn được các bệnh viện tổ chức lớp học ngay tại địa phương, để tạo điều kiện cho cán bộ tham gia học tập. Số cán bộ sau khi tham gia các khóa đào tạo của Bộ Y tế đã bước đầu góp phần vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh và bước đầu cũng đã phát huy hiệu quả các trang thiết bị y tế được đầu tư từ Đề án. Cán bộ sau khi được đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngay tại cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()