Một giai đoạn bứt phá
LSO-Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành ngân hàng đã có sự bứt phá về cả lượng và chất, đáp ứng kịp thời các dịch vụ về tiền tệ, phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Khách hàng giao dịch tại Lienviet Postbank Lạng Sơn
Phát triển mạng lưới
Từ năm 2016 đến nay, mạng lưới ngân hàng trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng, ngoài các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì nhiều ngân hàng thương mại tư nhân, vốn nước ngoài đã có mặt trên địa bàn Lạng Sơn với hệ thống gồm: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, 15 chi nhánh ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng chính sách và 12 chi nhánh cấp huyện, thành phố, 49 phòng giao dịch.
Đồng thời, mạng lưới thiết bị tiện ích phục vụ người dân của các ngân hàng cũng ngày một tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 77 máy ATM, 297 máy POS (tăng 10 máy ATM và hơn 100 máy POS so với năm 2016), phục vụ nhu cầu rút tiền mặt và nhiều tính năng tiện lợi như: chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, chi trả mua hàng hóa, gửi tiền mặt, thậm chí gửi tiết kiệm… và đã có 1.597 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, những năm gần đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt các thiết bị tiện ích, phối hợp với các điểm kinh doanh, dịch vụ lắp đặt máy POS, đồng thời triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, chi phí hợp lý để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như: nộp bảo hiểm xã hội, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông… Và chủ động phối hợp với các cơ quan an ninh đảm bảo an toàn cho máy ATM và người sử dụng.
Bà Vi Thị Hoa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Những năm gần đây, một số ngân hàng thương mại đã mạnh dạn phát triển mạng lưới về đến các huyện trên địa bàn, nhiều phòng giao dịch của Vietinbank, BIDV, Lienviet Postbank,… đã được mở mới. Điều này góp phần đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng tại vùng nông thôn, giúp người dân có thêm cơ hội tìm hiểu, tiếp cận và lựa chọn các dịch vụ tín dụng ngân hàng để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng.
Bứt phá tăng trưởng
Trong 5 năm gần đây, các ngân hàng thương mại đã mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh. Đặc biệt, các chi nhánh đã triển khai nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nhất là tại vùng nông thôn thông qua các tổ, nhóm vay của các tổ chức chính trị – xã hội hoặc các điểm giao dịch lưu động.
Qua đó, ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển. Tăng trưởng bình quân tín dụng toàn ngành trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng 16,8%/năm, kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng đạt 31.256 tỷ đồng và quý I/2020 đạt 30.890 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Song song với công tác tín dụng, hiệu quả huy động nguồn vốn những năm qua của ngành ngân hàng cũng có sự bứt phá ngoạn mục, nhất là công tác huy động tiết kiệm trong dân cư vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ và phát triển nguồn vốn. Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Nguồn vốn huy động của chi nhánh tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần đây, đến ngày 31/12/2019 đạt 10.450 tỷ đồng. Đặc biệt, đến năm 2019, đã có chi nhánh cấp huyện của ngân hàng cán mốc huy động trên 1.000 tỷ đồng.
Với mức lãi suất huy động hợp lý, ổn định, đa dạng hóa sản phẩm huy động nên tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân giai đoạn 2016 – 2020 của ngành ngân hàng đạt 14,6%/năm, tính đến ngày 31/12/2019 đạt 29.263 tỷ đồng và hết quý I/2020 đạt 30.460 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2019.
Bên cạnh thực hiện hoạt động kinh doanh thì một điểm nổi bật của ngành ngân hàng giai đoạn vừa qua được UBND tỉnh đánh giá cao là đã tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Kết quả đến cuối năm 2019, có 973 doanh nghiệp có quan hệ vay vốn tại các ngân hàng với dư nợ 10.540 tỷ đồng.
Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Trong giai đoạn tới, toàn ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiệm vụ cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả các giải pháp của ngành để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp quốc gia; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, mục tiêu hướng đến là hiện đại hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý các giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ý kiến ()