Một đời đam mê hội họa
– Cựu chiến binh, thương binh, hoạ sĩ Nông Ích Quang (bút danh Vinh Quang) đã dành cả đời mình cho hội họa, trong đó, chủ yếu là vẽ tranh cổ động. Bằng tình yêu với dòng tranh này, ông đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý.
Một ngày cuối năm 2021, chúng tôi có dịp gặp họa sĩ Nông Ích Quang khi ông đang ngồi trước giá vẽ trong căn hộ của mình tại khu nhà ở xã hội tỉnh thuộc khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Căn hộ khoảng 70 m2 nhưng được trang trí, lấp đầy bởi hàng trăm bức tranh lớn nhỏ do chính tay ông vẽ.
Cựu chiến binh, thương binh, hoạ sĩ Nông Ích Quang (bút danh Vinh Quang) đã dành cả đời mình cho hội họa, trong đó chủ yếu là vẽ tranh cổ động
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết ông sinh năm 1944 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Tràng Định. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Quang đã đam mê với những hình khối và màu sắc, sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Khi trưởng thành, thanh niên Quang quyết tâm thi đỗ vào Khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nông Ích Quang đã tình nguyện gia nhập đoàn quân của Sư đoàn 316, Quân khu II, chiến đấu tại chiến trường Lào. Trong những năm tháng chiến đấu, đi đâu ông cũng mang theo bút màu, giá vẽ và vẽ về những hình ảnh được trông thấy trong chiến trường. Rời quân đội, năm 1980, ông về làm việc tại Trung tâm Văn hóa thông tin thuộc Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn) và trở thành họa sĩ đầu tiên vẽ tranh cổ động trong các sự kiện lớn của tỉnh.
Nói về đam mê và kinh nghiệm của mình, họa sĩ Nông ích Quang chia sẻ: Những năm tháng ở chiến trường, tôi may mắn có được các dụng cụ để vẽ, thêm nữa là những trải nghiệm thực tế sâu sắc đã tạo nên cảm hứng để tôi theo đuổi đam mê vẽ tranh cổ động. Tranh cổ động là một loại hình hội họa xung kích phục vụ công tác tuyên truyền. Người vẽ tranh cổ động phải có tư tưởng chính trị vững, biết khái quát nội dung, sử dụng màu sắc trong sáng, ấn tượng thì mới tạo nên những sản phẩm đẹp, ấn tượng, có tác dụng tuyên truyền cao.
Trong thời gian công tác trong ngành văn hóa, ông Quang vừa sáng tác tranh cổ động vừa tham gia dạy mỹ thuật tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn). Là một người thầy, ông đã tâm huyết truyền lại kiến thức hội họa cho các thế hệ học trò. Nhiều học trò giờ đây vẫn học thầy, tiếp nối đam mê với nghề.
Là học sinh của thầy Quang từ năm 1990, anh Chu Văn Dũng, cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Cao Lộc cho biết: Khi giảng dạy, thầy Quang luôn tận tâm hướng dẫn chúng tôi từng chi tiết nhỏ như: cách làm tranh, pha màu, phác thảo, lấy màu, lên hình… Chính sự nhiệt huyết của thầy đã giúp chúng tôi thấy yêu và gắn bó với nghề vẽ tranh cổ động nhiều hơn.
20 năm hoạt động trong ngành văn hóa thông tin, họa sĩ Nông Ích Quang đã sáng tác hàng trăm bức tranh sơn dầu khổ lớn và giành được nhiều giải thưởng cao quý. Tiêu biểu là bức tranh “Khuổi Sao xuân về” được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hoàng Văn Thụ lần thứ hai năm 1999.
Nghỉ hưu từ năm 2001, họa sĩ Nông Ích Quang vẫn say sưa vẽ tranh và tham gia viết truyện tranh lịch sử… Ông cùng một đồng nghiệp cũ đã sáng tác nên cuốn truyện tranh “Hoàng Văn Thụ – Người cộng sản kiên trung bất khuất”. Tác phẩm đã đạt giải ba Giải thưởng VHNT tỉnh Lạng Sơn chào mừng Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ năm 2009.
Trong suốt cuộc đời tham gia kháng chiến, hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Nông ích Quang đã có rất nhiều đóng góp cho quê hương Xứ Lạng và được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ và Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam…
Họa sĩ Cao Thanh Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh cho biết: Họa sĩ Nông Ích Quang là một người thầy, một họa sĩ lớn đã dành cả đời cho niềm đam mê hội họa. Ông có đến hơn 500 bức tranh sơn dầu về phong cảnh quê hương, chiến trường và hàng nghìn bức tranh ký họa chân dung về danh nhân trên thế giới, Việt Nam, giới nghệ sĩ… Chúng tôi rất mong thời gian tới sẽ tổ chức được một triển lãm tranh của ông để Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thưởng lãm, học tập.
Đến nay, trong căn nhà nhỏ, họa sĩ Nông Ích Quang vẫn say mê sáng tác và kể chuyện về chiến trường, về những vùng đất trong tranh để các con các cháu mãi nhớ về những năm tháng hào hùng của dân tộc, từ đó, nỗ lực học tập, làm việc để xứng đáng với lịch sử dân tộc và truyền thống của gia đình.
Ý kiến ()