“Một cửa” cấp xã: Thiếu đủ bề
Cán bộ xã Nam La, huyện Văn Lãng tiếp người dân tại bộ phận “một cửa” chật chội |
45% bộ phận “một cửa” cấp xã xuống cấp
Tiếp chúng tôi tại bộ phận “một cửa” xã Nam La, huyện Văn Lãng, anh Phùng Văn Tuấn, cán bộ “một cửa” xã cho biết: “Đây là nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC nhưng do trụ sở xã không có đủ diện tích làm việc nên trong căn phòng 15 m2 này vừa là “một cửa” vừa là nơi làm việc của 8 cán bộ: đoàn thể, tư pháp, văn hóa, công an xã. Do chật chội nên mỗi khi cán bộ nào tiếp dân, giải quyết công việc thì những cán bộ khác không còn chỗ để làm việc, rất bất tiện và ảnh hưởng đến công tác”. Nam La là xã đặc biệt khó khăn và xa nhất của huyện Văn Lãng. Trụ trở xã là trụ sở cấp IV, 3 gian 2 trái, diện tích gần 100 m2, xây dựng cách đây hơn 20 năm, giờ đã xuống cấp. Ông Hoàng Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Nam La cho biết: “Trụ sở chật hẹp nên bộ phận “một cửa” cũng không đúng quy cách. Khi có đông người dân đến giải quyết TTHC, nhiều bà con phải đứng đợi ngoài hành lang”.
Không riêng xã Nam La, trên địa bàn tỉnh còn nhiều bộ phận “một cửa” hoạt động trong điều kiện như vậy. Được biết, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng kiên cố 125 trụ sở, chiếm 55,3%. Như vậy, tương đương với những con số trên, toàn tỉnh còn gần 45% bộ phận “một cửa” cấp xã xuống cấp, không đúng quy cách do trụ sở chưa được xây mới.
Trang thiết bị sơ sài
“Một cửa” xã Đông Quan, huyện Lộc Bình không những không được bố trí nơi giải quyết riêng mà còn thiếu trang thiết bị làm việc. Cán bộ “một cửa” ở đây gồm: tư pháp hộ tịch, địa chính, văn hóa xã hội, văn phòng thống kê nhưng chỉ có 1 chiếc máy vi tính để sử dụng chung. Để thuận lợi trong công việc, một số cán bộ đã phải tự trang bị máy tính xách tay cá nhân. Chị Vy Thị Khoản, cán bộ địa chính xã Đông Quan chia sẻ: “Tôi phải tích góp hơn 10 triệu đồng để mua sắm máy tính cá nhân phục vụ cho công việc. Lĩnh vực đất đai rất nhiều việc, để chờ sử dụng máy tính cơ quan thì không đáp ứng kịp yêu cầu giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân”.
Theo Quyết định 09/2015/QĐ-TTg, bộ phận “một cửa” nói chung, trong đó có “một cửa” cấp xã phải được trang bị các thiết bị: máy vi tính, máy photocopy, máy fax, máy in, điện thoại cố định, hệ thống bàn ghế làm việc và hệ thống ghế chờ cho công dân. Tuy nhiên thực tế, hầu hết bộ phận “một cửa” cấp xã chưa được đầu tư các trang thiết bị trên. Hiện chỉ có bộ phận “một cửa” một số phường và xã đạt chuẩn nông thôn mới cơ bản có trang thiết bị theo yêu cầu.
Thiếu nhân lực
Một vướng mắc khác trong thực hiện cơ chế “một cửa” ở cấp xã là thiếu cán bộ. Thực hiện Nghị định 92/2009 của Chính phủ, những năm gần đây số lượng công chức cấp xã được bổ sung hằng năm. Tuy nhiên, thực tế còn một số xã chưa đủ công chức làm việc. Theo đó, cán bộ “một cửa” làm việc kiêm nhiệm. Thậm chí một số xã do chưa được bố trí đủ công chức “một cửa” nên lãnh đạo UBND xã phải kiêm nhiệm công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC. Bà Hoàng Lan Hương, Phó trưởng Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho biết: trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 100 công chức cấp xã được tuyển mới, đến nay toàn tỉnh có 2,19 công chức cấp xã. Tuy nhiên số công chức này chưa đáp ứng đủ 226 xã, phường, thị trấn bởi luôn có sự biến động, chủ yếu công chức chuyển lên vị trí công tác mới. Chính vì thế số công chức cấp xã nói chung, cán bộ “một cửa” nói riêng còn thiếu hụt khoảng 300 công chức cấp xã.
Ý kiến ()