Một cơ hội đối với Xy-ri
Lực lượng an ninh chính phủ hướng dẫn người dân thành phố I-líp ra khỏi khu vực xung đột. ( Ảnh: AP )Dư luận ở khu vực Trung Đông và thế giới lên tiếng hoan nghênh Tuyên bố của Chủ tịchHội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đưa ra ngày 21-3 về tình hình Xy-ri, coi đây là một cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn một năm nay ở Xy-ri. Tuy nhiên, phe đối lập ở Xy-ri đã bác bỏ và bạo lực tiếp diễn.Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA không có tính bắt buộc như một nghị quyết chính thức của HĐBA, nhưng văn kiện này đã thể hiện quan điểm đồng thuận của các nước thành viên, sau khi hai dự thảo nghị quyết của HĐBA về Xy-ri không được thông qua. Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA về Xy-ri ủng hộ kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn A-rập về Xy-ri, ông C.An-nan, theo đó các bên ở Xy-ri phải chấm dứt bạo lực ngay lập tức, tiến hành đàm phán chính trị và cải thiện vấn đề nhân đạo, cho phép triển khai các...
Lực lượng an ninh chính phủ hướng dẫn người dân thành phố I-líp ra khỏi khu vực xung đột. ( Ảnh: AP ) |
Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA không có tính bắt buộc như một nghị quyết chính thức của HĐBA, nhưng văn kiện này đã thể hiện quan điểm đồng thuận của các nước thành viên, sau khi hai dự thảo nghị quyết của HĐBA về Xy-ri không được thông qua. Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA về Xy-ri ủng hộ kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn A-rập về Xy-ri, ông C.An-nan, theo đó các bên ở Xy-ri phải chấm dứt bạo lực ngay lập tức, tiến hành đàm phán chính trị và cải thiện vấn đề nhân đạo, cho phép triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo, phóng thích những người biểu tình bị giam và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Tuyên bố kêu gọi Chính phủ Xy-ri và các lực lượng đối lập hợp tác với ông C.An-nan trong việc chấm dứt khủng hoảng, cũng như thực thi “đầy đủ và ngay lập tức” đề xuất của ông C. An-nan về các giải pháp hòa bình. Tuyên bố cũng để ngỏ khả năng về “một hành động thỏa đáng” tiếp theo của cộng đồng quốc tế, nếu các bên ở Xy-ri không thực hiện các giải pháp hòa bình.
Ngay sau khi Chủ tịch HĐBA LHQ ra tuyên bố về Xy-ri, lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh và ủng hộ các biện pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đang tàn phá nghiêm trọng Xy-ri và tác động xấu tới tình hình khu vực Trung Đông. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nêu rõ, tuyên bố của Chủ tịch HĐBA đã phát đi thông điệp rõ ràng và thống nhất của HĐBA về tình hình Xy-ri. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Nga, Mỹ và một số nước khác đánh giá, đây là “bước đi tích cực” hướng tới một thỏa thuận chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hòa giải, đồng thời kêu gọi Chính phủ Xy-ri và các bên liên quan tích cực ủng hộ và phối hợp Đặc phái viên C.An-nan. Bộ Ngoại giao Nga còn cảnh báo Chính phủ Xy-ri đã “mắc một số sai lầm”, đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình trạng vi phạm nhân quyền do phe đối lập Xy-ri gây ra. Bằng chứng là 25 đoạn băng hình phát trên in-tơ-nét về việc các phần tử vũ trang của phe đối lập Xy-ri đã bắt cóc, tra tấn và giết hại thường dân. Thứ trưởng Ngoại giao Nga M.Bô-đa-nốp thông báo, Đặc phái viên C.An-nan sắp đến Mát-xcơ-va để thảo luận kế hoạch trung gian hòa giải cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Xy-ri. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Chủ tịch HĐBA LHQ, nhưng cũng cảnh báo Tổng thống Xy-ri An Át-xát sẽ phải đối mặt “sức ép và sự cô lập hơn nữa” nếu không thực hiện ngay kế hoạch hòa bình của LHQ.
Phe đối lập ở Xy-ri đang có sự phân hóa. Họ vẫn đòi Tổng thống An Át-xát từ chức như là điều kiện tiên quyết. Ngay lập tức, Hội đồng Dân tộc Xy-ri (SNC) đối lập cho rằng, tuyên bố của Chủ tịch HĐBA LHQ chỉ nhằm hỗ trợ Chính phủ Xy-ri, “không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân Xy-ri”. Phe đối lập công khai kêu gọi và mong chờ sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Tại cuộc họp của Nhóm “Những người bạn của Xy-ri” lần thứ nhất, đại diện SNC đã chính thức đòi hỏi các thành viên hội nghị cung cấp vũ khí cho “Quân Tự do Xy-ri ” (FSA). Trên thực tế, Nhóm “Những người bạn của Xy-ri” do phương Tây sáng lập với mục tiêu ủng hộ phe đối lập ở Xy-ri. Nhóm này sẽ tái họp vào đầu tháng 4 tại I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi chính quyền đang tiếp tay cho lực lượng đối lập ở nước láng giềng Xy-ri. Các nhà ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 22-3 thông báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh khu vực này đối với 12 cá nhân Xy-ri, trong đó có vợ và các thành viên khác trong gia đình Tổng thống Xy-ri An Át-xát.
Tại Xy-ri, tiếp tục xảy ra xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng FSA tại thành phố I-líp ở tây-bắc và một số khu vực của Thủ đô Đa-mát. Ngày 22-3, một vụ đánh bom xe liều chết đã xảy ra ở thành phố Đa-ra ở miền nam, làm nhiều quan chức an ninh và dân thường chết. Chính phủ Xy-ri tiếp tục thực hiện những cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, đồng thời truy quét các phần tử vũ trang chống đối được sự hỗ trợ của các phần tử khủng bố bên ngoài. Mới nhất là cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp sửa đổi và đang chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội mới.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Xy-ri là hậu quả của phong trào “Mùa xuân A-rập”. Chính phủ Xy-ri đã lên tiếng cực lực phản đối mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài, không để tái diễn “kịch bản Li-bi”. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể ngồi lại với nhau để bàn giải pháp hòa bình và hòa giải dân tộc. Tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đã bày tỏ thái độ và nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Nay, quả bóng đang lăn trên sân của người Xy-ri. Diễn biến tại Xy-ri chắc chắn ảnh hưởng to lớn đến tương lai của khu vực Trung Đông đang biến đổi và bất ổn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()