Một cân thịt lợn, từ trang trại tới bán lẻ giá tăng 70%
Để quản lý giá hiệu quả cần bảo đảm cung cầu hàng hóa không để đứt gãy chuỗi cung ứng và nhất là phải giảm các khâu trung gian. Đơn cử 1 kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng qua 3-4 khâu trung gian đã đẩy giá lên.
Giải bài toán giá: Phải giảm các khâu trung gian
Câu chuyện tăng giá theo giá xăng dầu và không chịu giảm khi giá xăng xuống dường như là câu chuyện không hề mới mẻ.
Nêu quan điểm về vấn đề này tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – thực trạng và giải pháp”, chuyên gia Vũ Vinh Phú bày tỏ nhất trí với những giải pháp các bộ ngành đang triển khai thực hiện Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cho rằng, vấn đề giá có phạm vi rộng, vì vậy ngoài giải pháp kinh tế và kỹ thuật, nên có thêm các giải pháp khác.
Trước tiên là vấn đề cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và nhất là phải giảm các khâu trung gian.
Ông Phú lấy ví dụ, 1 kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng 3-4 khâu trung gian đã đẩy giá lên, nên chúng ta phải xem xét vì đó là các yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.
Quản lý giá: Biện pháp hành chính chỉ là bất đắc dĩ
Thứ hai, ngoài biện pháp hành chính bất đắc dĩ phải làm, phải sử dụng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cần phát huy vai trò của các hội, hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội DNVVN, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ ở các chợ, khu phố,… để làm sao những người buôn bán nhận thức, tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú: Nếu chúng ta làm được các giải pháp đồng bộ như thế, thì các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện hiệu quả hơn, thiết thực hơn, sớm đi vào cuộc sống.
“Rõ ràng, chúng ta phấn đấu mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong chỉ tiêu 4% thì công tác tổ chức thực hiện rất quan trọng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Ý kiến ()