Một cách phân luồng học sinh
Giáo viên lớp 12 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh |
NHỮNG CON SỐ “BIẾT NÓI”
Theo số liệu của Sở GD&ĐT, đến này 18/3/2015, trong 8.679 học sinh lớp 12 hệ THPT và bổ túc THPT toàn tỉnh, có 4.408 học sinh Đăng ký dự thi (ĐKDT) lấy kết quả xét tốt nghiệp (tỷ lệ 50,79%) và 4.271 em ĐKDT để sử dụng kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) (kỳ thi “2 trong 1”) tại Thái Nguyên (tỷ lệ 49,21%). Tỷ lệ chung là vậy, song ở 2 loại hình THPT và giáo dục thường xuyên (GDTX) lại có tỷ lệ thí sinh ĐKDT khác hẳn nhau. Trong số 832 học sinh của 11 trung tâm GDTX và 2 trường CĐ nghề trong toàn tỉnh, chỉ có 37 em ĐKDT tại Thái Nguyên, chiếm tỷ lệ 4,5% . Trong khi đó, trong số 7.847 học sinh THPT có đến 4.234 em ĐKDT ở Thái Nguyên. Đặc biệt có đến 4 trung tâm GDTX và 2 trường nghề không có học sinh ĐKDT tại Thái Nguyên.
Còn nhớ, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, năm có số thí sinh ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ đông nhất từ trước đến nay, toàn tỉnh có 13.818 lượt thí sinh ĐKDT; trong đó tỷ lệ đỗ vào các trường cũng chỉ ở mức trên 42%. Như vậy, có thể nói, do tác động của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, số học sinh có nguyện vọng thi để xét tuyển ĐH, CĐ giảm rất nhiều. Nói cách khác, học sinh đã có sự chọn lựa kỹ càng và vì vậy, sau cấp THPT đã có sự phân luồng tự nhiên. Sự phân luồng này còn được thể hiện ở đề thi có sự phân hóa (mức trung bình mà học sinh có thể làm được để đạt tốt nghiệp và mức cao để xét tuyển vào ĐH, CĐ). Đó là sự khác biệt lớn giữa kỳ thi năm nay và các kỳ thi Quốc gia những năm trước.
NGUYỆN VỌNG VÀ TÂM LÝ
Nói chuyện với chúng tôi về tâm tư của mình trước khi ĐKDT, Hoàng Văn H. – học sinh của Trường THPT Đồng Đăng nói rằng: “Gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, em chỉ cố gắng học xong và có bằng tốt nghiệp lớp 12, sau đó em xin đi làm công nhân để có thu nhập giúp đỡ gia đình”. Em Phùng Thị Chín lớp 12B Trung tâm GDTX 2 cho biết: em vừa học bổ túc THPT, vừa học hệ Trung cấp nghề và em chỉ cần thi để có bằng tốt nghiệp THPT và cố gắng học xong hệ trung cấp nghề là đủ. Khác với em học sinh ở Trung tâm GDTX 2, em Trần Thị Th. -Trung tâm GDTX huyện Lộc Bình thổ lộ: “Em xin ĐKDT ở Thái Nguyên và có nguyện vọng xin xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên vì em biết lực học của mình có thể đáp ứng được”. Đó là những nguyện vọng rất chính đáng mà các em xác định ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.
Tuy nhiên, cũng còn lý do khác. Thầy giáo Đặng Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc, do tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia “2 trong 1” khác với các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây nên nhiều học sinh cũng tỏ ra lo lắng, vì chỉ cần “xảy chân” thì không những không đạt được nguyện vọng được xét vào ĐH, CĐ mà ngay việc có được tấm bằng tốt nghiệp cũng khó. Vì vậy, không ngạc nhiên khi những trường THPT có chất lượng như THPT Dân tộc Nội trú, Việt Bắc cũng có một tỷ lệ đáng kể học sinh chỉ ĐKDT để xét tốt nghiệp.
CHƯA HẾT CƠ HỘI
Theo đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, học sinh chỉ ĐKDT tốt nghiệp THPT trong tỉnh chưa phải đã hết cơ hội. Kết quả tốt nghiệp của các em sẽ được một số trường ĐH, CĐ hoặc trường trung cấp xét tuyển. Vì vậy, tuy năm nay không xếp loại tốt nghiệp song căn cứ vào điểm xét tốt nghiệp, những em có số điểm tốt nghiệp cao thì nguyện vọng vào học một số trường ĐH, CĐ công lập hoặc dân lập vẫn sẽ được đáp ứng.
Từ nay đến hết ngày 30/4- thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ, vẫn còn thời gian cho sự tính toán và lựa chọn của các em. Tuy vậy, những số liệu phản ánh nguyện vọng của các em qua việc ĐKDT đã nói lên tác động tích cực của kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” năm nay. Vấn đề của các nhà trường là song song với công tác ôn thi, cần phải bồi dưỡng kỹ năng làm bài cho học sinh làm sao để đạt được điểm số cao nhất, không bị điểm liệt (bài thi dưới 1 điểm) để có thể được công nhận tốt nghiệp THPT.
Ý kiến ()