Một cách làm từ thiện độc đáo
Hầu như ở nước ta, ai cũng làm từ thiện với tinh thần “Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.Cách đơn giản nhất là dành một ngày lương cho đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhiều chương trình quyên góp từ thiện làm ta rơi nước mắt. Người tốt nhiều lắm. Lòng tốt mênh mông lắm…
Tôi nhớ lần dự một buổi quyên góp từ thiện được truyền hình trực tiếp, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, ban tổ chức đã quyên góp được đến cả chục tỷ đồng. Và tôi thực sự rơi nước mắt trước cảnh một cháu bé mồ côi, kiếm sống bằng việc đi đánh giày dạo, quần áo bạc phếch, tỏa mùi đường phố, đã vào thẳng trường quay hôm ấy. Cháu tặng các cô bác vùng lũ lụt một trăm ngàn đồng, là tiền công đánh giày mấy ngày của cháu. Thật đáng quý biết bao!
Trong hàng vạn tấm lòng làm công tác an sinh xã hội, tôi biết có cựu chiến binh, Anh hùng lái xe Trường Sơn Phan Văn Quý đã làm âm thầm và làm từ rất lâu rồi. Phan Văn Quý không dựa vào dĩ vãng, không sống bằng vinh quang quá khứ. Anh xin nghỉ hưu khi tuổi đời còn trẻ, rời quân đội với quân hàm trung tá và bắt đầu khởi nghiệp. Khi doanh nghiệp của mình phát triển ổn định, anh có điều kiện để san sẻ cho những người khó khăn. Đồng tiền cho đã hay, nhưng tôi đặc biệt đánh giá cao cách cho của anh.
Anh cùng một số nhà hảo tâm tham gia vận động thành lập Quỹ Tâm tài Nghệ An, Quỹ Cộng đồng phòng, tránh thiên tai, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam để thực hiện các công tác an sinh xã hội một cách bài bản.
Anh hùng, thương binh Phan Văn Quý cùng con gái anh hùng Trịnh Tố Tâm trong ngày khánh thành tượng đồng đội và trao học bổng tặng các em học sinh Trường THPT Ứng Hòa B, Hà Nội. Ảnh: TUẤN TÚ |
Gần đây, anh cùng một số cựu chiến binh còn đề xuất thành lập Quỹ Tìm lại tên cho đồng đội để hỗ trợ những gia đình liệt sĩ gặp khó khăn trong quá trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Anh hỗ trợ Báo Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức các cuộc thi viết “Sâu nặng ân tình” và “Hào khí Trường Sơn” để tri ân những người có công với đất nước.
Anh tài trợ tổ chức thực hiện những bộ phim sử thi về Đường Trường Sơn huyền thoại – nơi anh đã cùng đồng đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ. Anh thực hiện tạc tượng chân dung những danh nhân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp với cách mạng. Nhờ thế mà nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều trang sử vô giá được lưu lại trong khuôn viên các bảo tàng, trường học để thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ…
Cựu chiến binh Phan Văn Quý (thứ hai, từ trái sang) trao bức tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên do ông tài trợ thực hiện tặng Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: TUẤN TÚ |
Anh còn thành lập quỹ khuyến học, trao học bổng hằng năm tặng các cháu học sinh nghèo, học giỏi ở nhiều địa phương trong cả nước. Số tiền anh ủng hộ là tiền gốc, tiền khởi điểm, để trong ngân hàng. Hằng năm lấy lãi suất làm quà trao tặng các em nghèo học giỏi. Số tiền ấy còn làm được một công việc cao đẹp là đánh thức lòng tốt trong mỗi con người, đặc biệt là những người thành đạt, những người có điều kiện ở những vùng quê anh đã xây dựng quỹ. Và như thế, lòng tốt sẽ không ngừng nảy sinh và phát triển. Người ta góp vào quỹ cùng anh nhân lên những tấm lòng thơm thảo. Khi lòng tốt lên ngôi, cái đẹp lên ngôi, thì cái xấu, cái ác không còn chốn nương náu.
Ngoài ra, với một tầm nhìn lâu dài và bền vững cho việc phát triển, anh đã tài trợ những dự án như quy hoạch nông thôn mới ở Nghệ An, quy hoạch thành phố Quảng Trị trở thành thành phố vì hòa bình, quy hoạch logistics cho tỉnh Bình Thuận… Tôi hiểu vì sao, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng cũ của anh đã có lời nhận xét thật sâu sắc và chí nghĩa, chí tình: “Phan Văn Quý thật đáng quý. Chúng ta mong nước ta có thật nhiều Phan Văn Quý!”.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()