Một ‘bước lùi’ rất lớn đối với nền kinh tế thế giới
Không chỉ vấn đề tăng trưởng mà một “bước lùi” rất lớn đối với nền kinh tế thế giới là số người nghèo cùng cực đã và sẽ gia tăng rất mạnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan có thể đẩy thêm hơn 100 triệu người trên thế giới rơi vào tình cảnh cùng cực khi chỉ sống với mức thu nhập 1,9 USD/một ngày. Điều này không bảo đảm cho một cuộc sống tiêu chuẩn.
Trên thế giới hiện có tới 736 triệu người nghèo cùng cực với một nửa trong số này thuộc về 5 quốc gia là Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Congo và Bangladesh.
Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi là một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới và nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa. Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã vượt Ấn Độ trở thành quốc gia có số người nghèo cùng cực nhiều nhất thế giới, với khoảng một nửa số dân của nước này. Trong khi đó, Congo là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng dịch bệnh nhất trên thế giới, với dịch Ebola và sởi vẫn đang âm ỉ đeo bám.
WB cho biết, ngay cả Trung Quốc, Indonesia và Nam Phi, mỗi nước đều có hơn 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Hầu hết trong số hàng triệu người đang cận kề nguy cơ rơi vào cảnh nghèo cùng cực là ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây.
Số người nghèo cùng cực tại Ethiopia đã giảm đáng kể, từ gần một nửa dân số nước này vào giữa những năm 1990 xuống còn 23% trong hai thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang đẩy lùi mọi nỗ lực xóa nghèo ở quốc gia châu Phi này. Ethiopia cùng với Congo, Kenya, Nigeria và Nam Phi dự kiến sẽ chiếm một nửa số người thuộc diện nghèo cùng cực tại khu vực châu Phi cận Sahara.
Sự phục hồi của các nền kinh tế trên toàn cầu hiện phụ thuộc lớn vào thời gian kéo dài dịch bệnh. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) từng cho rằng dịch COVID-19 sẽ thuyên giảm dần vào tháng 6/2020. Song giờ đây, AfDB cho biết hàng chục năm xóa đói giảm nghèo của Ethiopia có thể sẽ trở thành “công cốc”. Trước đại dịch, ngân hàng này ước tính kinh tế Ethiopia sẽ tăng trưởng hơn 7% trong năm nay. Trong trường hợp xấu nhất, AfDB dự báo kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 2,6%.
Khoảng tối chưa từng thấy
Dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục đẩy toàn cầu vào một môi trường đầy bất trắc. Nhận định chung từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng của thế giới cho giai đoạn 2020-2021.
Kinh tế toàn cầu sau 6 tháng đầu năm 2020 được nhận định đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ, tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. COVID-19 đã cuốn trôi 12.000 tỷ USD của cải trên thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 24/6, IMF đã báo động đại dịch COVID-19 tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu, khiến GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9% so với năm 2019, tai hại hơn cả vụ Lehman Brothers vỡ nợ khiến 0,1% GDP toàn cầu tan biến. Và khác biệt quan trọng là tất cả các đầu máy kinh tế của thế giới khi đó đã không bị đóng băng cùng một lúc như hiện nay.
Nhìn vào các cột trụ kinh tế thế giới, tại Mỹ, Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ cho biết, nền kinh tế nước này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử và rơi vào suy thoái trong tháng Hai, do ảnh hưởng của COVID-19. Nền kinh tế số 1 được dự báo giảm 8% trong năm nay
Trong khi bức tranh kinh tế châu Âu cũng xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Nền kinh tế Eurozone đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ, trở thành mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1995. GDP của 19 nước thành viên Eurozone ước giảm hơn 10%.
Tại Trung Quốc, dịch bệnh đã được kiểm soát song tác động nghiêm trọng về kinh tế đã lộ rõ, dù nền kinh tế này được gọi là một ngoại lệ “may mắn” với dự báo tốc độ tăng trưởng đang từ 6,9% trong năm 2019 rơi xuống còn 1%. GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng 1,3% trong quý II/2020, sau khi ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý I/2020, lần suy giảm tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 1992.
Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015, do nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, tất cả các yếu tố từ tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều ghi nhận sự sụt giảm.
Các dự báo đến nay tiếp tục bi quan hơn bao giờ, bởi thế giới thực sự đang đứng trước nhiều ẩn số, mà trong đó, ẩn số lớn về virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 vẫn đầy bí ẩn. Chắc chắn các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội từ du lịch, giải trí…đến sản xuất… sẽ không thể hồi phục nhanh chóng. Đó là chưa kể các biện pháp phòng chống vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. IMF dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020.
Ý kiến ()