Moody’s hạ mức tín nhiệm của Pakistan xuống hạng C sau 7 năm
Hồi tháng Sáu vừa qua, Moody’s cũng đã hạ triển vọng của Pakistan từ ổn định xuống mức tiêu cực do việc trì hoãn thực hiện thỏa thuận gói cứu trợ kinh tế với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ xếp hạng nợ nội tệ, nợ ngoại tệ và nợ không có đảm bảo cao cấp của Pakistan xuống Caa1 từ mức B3 với lý do rủi ro về tính thanh khoản của chính phủ và khả năng dễ bị tổn thương từ bên ngoài tăng và rủi ro về tính bền vững của nợ cao hơn.
Việc tụt hạng này đã đẩy Pakistan vào loại C sau 7 năm (kể từ tháng 3/2015).
Hồi tháng Sáu vừa qua, Moody’s cũng đã hạ triển vọng của Pakistan từ ổn định xuống mức tiêu cực do việc trì hoãn thực hiện thỏa thuận gói cứu trợ kinh tế với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tờ Dawn dẫn tuyên bố của Moody’s cho rằng “quyết định thay đổi triển vọng thành tiêu cực được thúc đẩy bởi rủi ro dễ bị tổn thương bên ngoài gia tăng của Pakistan và sự không chắc chắn về khả năng của quốc gia trong việc đảm bảo nguồn tài chính bên ngoài bổ sung để đáp ứng nhu cầu của mình.”
Trong khi đó, thâm hụt tài khoản vãng lai của Pakistan đã tăng lên 13,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu tiên (từ tháng 7/2021-4/2022) trong năm tài chính hiện nay, so với mức thâm hụt 543 triệu USD cùng kỳ tài khóa trước đó.
Theo dữ liệu từ IMF, dự trữ ngoại hối của Pakistan đã giảm xuống còn 9,7 tỷ USD vào cuối tháng Tư, chỉ có thể đáp ứng chưa đầy hai tháng nhập khẩu.
Con số này so với 18,9 tỷ USD dự trữ ngoại hối vào cuối tháng Bảy năm ngoái.
Hơn nữa, các cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra ở Pakistan vào giữa năm 2023.
Theo quan điểm của Moody’s, các đảng chính trị sẽ gặp khó khăn trong việc liên tục ban hành các biện pháp nâng cao doanh thu đáng kể trước cuộc bầu cử, đặc biệt là trong môi trường lạm phát cao.
Pakistan đã phản đối gay gắt quyết định hạ mức tín nhiệm của Moody’s, cho rằng quyết định này được đưa ra đơn phương, dựa trên dữ liệu không đầy đủ và không mô tả bức tranh thực do thiếu thông tin và mâu thuẫn.
Tờ Dawn dẫn nguồn cơ quan đánh giá tín dụng có trụ sở tại New York cho biết “triển vọng (kinh tế Pakistan) vẫn tiêu cực” và rằng khả năng chi trả nợ, một điểm yếu tín dụng lâu nay đối với Pakistan, sẽ vẫn cực kỳ yếu trong tương lai gần. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh lũ lụt tàn phá Pakistan trong nhiều tháng qua và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng./.
Ý kiến ()