"Mộng Viễn Đông" và giấc mộng của thị trường tranh Việt
Trong lần trở lại Việt Nam vào tháng 8 năm nay, Sothebys chào đón khách thưởng lãm cùng khám phá xứ Đông Dương một thời, qua câu chuyện và lăng kính nghệ thuật của những nghệ sĩ người Pháp từng đi qua hoặc ở lại với vùng đất và con người nơi đây, mang tên “Mộng Viễn Đông”.
Nối tiếp thành công của “Hồn xưa bến lạ – Timeless Souls: Beyond the Voyage” vào tháng 7 năm ngoái – triển lãm đầu tiên Sothebys tổ chức tại Việt Nam, tôn vinh nghệ thuật của các họa sĩ bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong lần trở lại Việt Nam vào tháng 8 năm nay, Sothebys chào đón khách thưởng lãm cùng khám phá xứ Đông Dương một thời, qua câu chuyện và lăng kính nghệ thuật của những nghệ sĩ người Pháp từng đi qua hoặc ở lại với vùng đất và con người nơi đây, mang tên “Mộng Viễn Đông”.
Hai triển lãm phi lợi nhuận mang tiêu chuẩn trưng bày quốc tế của Sothebys tại Việt Nam cho thấy một dấu hiệu khả quan và tiềm năng của thị trường mỹ thuật Việt trong thời gian tới.
Cuộc du hành nghệ thuật
Diễn ra hơn ba ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, “Mộng Viễn Đông” thu hút hơn 5.000 lượt khán giả đến thưởng lãm 57 tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ hải quân và họa sĩ du hành Pháp từng sống ở Việt Nam trăm năm trước. “Mộng Viễn Đông” cho thấy các họa sĩ như Victor Tardieu, Jean-Louis Paguenaud và André Maire xây dựng lăng kính riêng của mình để soi chiếu vùng đất và con người nơi đây, thể hiện rõ nét qua từng nét cọ, tác phẩm.
“Mộng Viễn Đông” làm người xem choáng ngợp bởi không gian mỹ thuật được chuẩn bị kỹ lưỡng và mang tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, trong số hơn 50 tác phẩm, có tác phẩm “La Baie dAlong” (Vịnh Hạ Long) của họa sĩ Jean-Louis Paguenaud được biết là một trong những thách thức lớn nhất cho Ban tổ chức triển lãm.Bức tranh có kích thước 212 x 513cm và trọng lượng ban đầu đến 160kg, trong quỹ thời gian eo hẹp, Ban tổ chức bằng mọi cách đã di chuyển an toàn “siêu phẩm” bằng đường bộ (trong suốt 3 ngày) từ Bắc vào Nam để kịp ra mắt khán giả.
Nhấn mạnh vào yếu tố là triển lãm phi thương mại thứ hai của nhà Sotheby’s tại Việt Nam, các tác phẩm không được công bố trị giá để tập trung vào giá trị văn hóa – lịch sử. Thông qua “Mộng Viễn Đông”, khi thưởng lãm tác phẩm của các nghệ sĩ Pháp từng du hành và giảng dạy tại Việt Nam, ta có thể nhận thấy tình cảm chân thành của họ đối với con người và nơi chốn mà họ đã vẽ. Đó là thời kỳ của niềm hy vọng và sự cảm mến, được thể hiện giữa các nền văn hóa bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Nói về nội dung giám tuyển của triển lãm, Ace Lê, Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam của Sothebys, chia sẻ: “Đã gần tới mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, và đây là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sĩ Pháp tới Đông Dương, không những để lập nên một kinh viện, mà kéo theo đó còn là cả một trường phái nghệ thuật với một di sản đồ sộ. Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang trong đó những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân và cả tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, và cả chiều ngược lại”.
Theo Giáo sư Nghệ thuật John Seed chia sẻ trong bài viết “Mộng: Những giấc mơ chung của một kỷ nguyên đáng nhớ”: “Sự hiện diện của các nghệ sĩ châu Âu ở thuộc địa Đông Dương đã dẫn đến một sự trao đổi văn hóa giữa những phong cách và hình thức giao thoa đáng chú ý. Nhiều nghệ sĩ đến thăm Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 đã làm tươi mới nghệ thuật của mình khi tiếp xúc với phong cảnh xanh tươi và nền văn hóa địa phương sôi động. Các nghệ sĩ Đông Dương theo học với các giảng viên người Pháp đã được tiếp xúc với phong cách và phương pháp châu Âu – cả truyền thống và hiện đại – mà họ đã nhanh chóng tiếp thu và biến thành của riêng mình”.
Nghệ thuật hiện đại Việt Nam có nguồn gốc từ giai đoạn sơ khai này khi tranh sơn dầu được giới thiệu bởi các giảng viên người Pháp của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cũng trong thời kỳ này, sơn mài, từ lâu được sử dụng trong việc chế tác các đồ vật và kiến trúc Việt Nam, đã được các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương đón nhận như một chất liệu mỹ thuật. Tranh lụa được nhìn nhận như một thể loại quan trọng, liên hợp các nguyên tắc bố cục phương Tây với sự uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp châu Á. Đó là thời kỳ của những ước mơ và hoài bão chung, để lại một di sản nghệ thuật lãng mạn, thể hiện tình cảm và mối tương duyên nghệ thuật được phát triển giữa các nghệ sĩ Pháp và nghệ sĩ Việt thời Đông Dương.
Cơ hội cho thị trường mỹ thuật Việt Nam
“Mộng Viễn Đông” không phải là triển lãm đầu tiên của Sothebys tại Việt Nam. Năm ngoái, nhà đấu giá này đã trưng bày “Hồn xưa bến lạ” của nhóm “tứ kiệt Đông Dương” gồm Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, gây tiếng vang lớn trong nước và khu vực. Sothebys cũng đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh Việt. Đó là bức “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ – được đấu giá 3,1 triệu đô la (hơn 72 tỉ đồng) hồi tháng 4/2021, trở thành tác phẩm có giá cao nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tháng 4/2023, tác phẩm “Gia đình trong vườn” của họa sĩ Lê Phổđược gõ búa với giá 2,3 triệu đô la (55 tỉ đồng). Trước đó, bức “Dáng hình trong vườn” cũng của Lê Phổ đạt 2,28 triệu đô la (hơn 53 tỉ đồng) trong phiên đấu giá của Sotheby’s hồi tháng 4/2022.
Ngoài ra, có nhiều tác phẩm của bộ tứ danh họa này cũng được đấu giá tại Sothebys và các nhà đấu giá khác, góp vào bộ sưu tập triệu đô la cho tranh Việt, đồng thời nâng cao giá trị của tranh Việt Nam trên thị trường.
Giám tuyển Ace Lê chia sẻ: “Trăn trở của tôi là làm thế nào để cải tiến mức độ tiếp cận nghệ thuật cho công chúng Việt Nam và làm điều đó với một công thức bền vững về mặt nhân lực cũng như tài chính cho tất cả các bên tham gia”. Sau mỹ thuật Đông Dương, Sotheby’s sẽ tiếp tục giới thiệu các lớp họa sĩ cận hiện đại, đương đại… để công chúng Việt có dịp tìm hiểu và tiếp cận sâu sắc hơn.
Ông Jasmine Prasetio, Giám đốc Điều hành, Sothebys Đông Nam Á chia sẻ: “Tiếp tục chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ở châu Á với thành công của triển lãm và phiên đấu giá gần đây tại Singapore,chúng tôi háo hức chào đón thêm một dấu mốc nữa bằng việc trở lại Việt Nam thông qua dự án thứ hai trong chuỗi triển lãm tại đây. Khi định vị tương lai của mình trong khu vực, chúng tôi tiếp tục đặt sứ mệnh hỗ trợ kiến thiết hệ sinh thái nghệ thuật và văn hóa bản địa. Bằng việc giới thiệu những kiệt tác này tới công chúng, chúng tôi hy vọng triển lãm sẽ tương tác, cung cấp thông tin, và truyền cảm hứng tới cộng đồng nghệ thuật và hơn thế nữa”.
Trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, nghệ thuật Việt Nam đang đặc biệt thu hút sự quan tâm từ giới mộ nghệ toàn cầu. Sothebys đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc phát triển thị trường trọng yếu này và hiện đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh Việt. Theo đại diện Sotheby’s, thị trường châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, đã có tầm ảnh hưởng quốc tế và họ đang đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc phát triển thị trường trọng yếu này. Trong đó, Singapore và Việt Nam là hai thị trường tiềm năng nhất.
Trước đó, xen kẽ giữa hai triển lãm này, nhà Sothebys đã đặt văn phòng tại Việt Nam và có một kế hoạch triển lãm lâu dài theo chuỗi. Họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định, việc Sothebys đặt văn phòng tại Việt Nam và tổ chức hai triển lãm mang quy chuẩn bảo tàng quốc tế là những động thái thúc đẩy thị trường tranh Việt. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi kỳ vọng sau “Mộng Viễn Đông” sẽ có thêm nhiều triển lãm khác về các thế hệ họa sĩ Việt Nam. Tất nhiên không dễ để một đơn vị bỏ ra một số tiền lớn đầu tư cho những triển lãm phi lợi nhuận. Ông cho rằng, đây là một sự cho đi và nhận lại sức ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Ace Lê, việc triển lãm và giới thiệu tranh của Sotheby”s sẽ đặt ưu tiên cho các giá trị văn hóa, lịch sử của tác phẩm. Đó cũng là cách góp phần xây dựng một thị trường mỹ thuật minh bạch, rõ ràng, từ chính những giá trị thực của tác phẩm. Hy vọng, đó cũng sẽ là cú hích lớn làm thay đổi thị trường mỹ thuật Việt Nam vốn đang bát nháo vì nạn tranh giả.
Theo cand.com.vn
Ý kiến ()